Vụ Bản thúc đẩy phát triển kinh tế

05:03, 03/03/2021

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, huyện Vụ Bản đã tăng cường các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân thúc đẩy phát triển sản xuất toàn diện cả công nghiệp và nông nghiệp.

Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng, xã Quang Trung (Vụ Bản) sản xuất sản phẩm trà tươi hương chanh mật ong S24.
Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng, xã Quang Trung (Vụ Bản) sản xuất sản phẩm trà tươi hương chanh mật ong S24.

Năm 2020, huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, lập điều chỉnh các quy hoạch trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư như: lập Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Gôi; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm và khu Tây quần thể Phủ Dầy; xây dựng quy hoạch phát triển các điểm thương mại, dịch vụ tập trung. Huyện tích cực huy động mọi nguồn vốn, nỗ lực vận động đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế bao gồm: Nâng cấp đường nối từ Quốc lộ 21 đi Quốc lộ 38B, đến tỉnh lộ 486B; đường cầu Họ - Hạnh Lâm; đường Trung Thành - Cộng Hòa; đường Rặng Dừa, xã Tân Thành; đường Tam Thanh - Yên Lương; đường nối từ bờ sông Hùng Vương đi đê Bối Ðồng Tâm và các tuyến đường trục xã Thành Lợi. Huyện triển khai xây dựng CCN Thanh Côi; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của CCN các xã Quang Trung, Trung Thành. Tạo điều kiện, khuyến khích các xã phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại một số khu vực trung tâm theo hướng văn minh, hiện đại. Huyện quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa trong giao dịch hành chính, giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng ưu tiên cho các doanh nghiệp, các đối tượng sản xuất trên địa bàn huyện vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, thời hạn và lãi vay phù hợp. Trong điều kiện sức tiêu dùng sụt giảm do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, huyện đã chú trọng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ dân nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, tăng khả năng liên kết từ các khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ðiểm nhấn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện là đã triển khai được 11 mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn với diện tích 562ha và 4 mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết. Trong đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trung Thành liên kết với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ sản xuất với quy mô 20ha; các HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Xuyên, Tam Thanh liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất với quy mô 35ha; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Tân liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Nam Ðịnh sản xuất với quy mô 34ha. Duy trì mô hình sản xuất cỏ ngọt quy mô 3ha tại thị trấn Gôi; xây dựng mô hình sản xuất rau sạch tại xã Ðại Thắng, đơn vị thực hiện là Công ty Thần Nông; tập trung đánh giá hiệu quả việc thí điểm mô hình trồng sen tại xã Minh Tân tạo cơ sở nhân rộng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; khuyến khích tích tụ ruộng đất, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh của người dân. Năng suất lúa năm 2020 của huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh.

Huyện còn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề phát triển các mặt hàng thế mạnh tham gia hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại thiết thực hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững và phát triển thị trường tiêu thụ. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư sản phẩm tham gia OCOP để tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương; bố trí nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện 3 dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... Cùng với chính quyền, các doanh nghiệp nỗ lực tự thân vượt khó, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo chủ cơ sở mua bán, xay xát gạo Vũ Thị Vân phố Tây Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản): Ðược cán bộ địa phương tư vấn, kịp thời tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở đã quyết đầu tư hệ thống máy xay xát tự động với tổng vốn đầu tư máy móc trên 10 tỷ đồng. Dây chuyền xay xát gạo tự động đã giúp đồng bộ hóa trong công đoạn tách vỏ trấu, máy tách màu, loại bỏ tạp chất… góp phần đảm bảo hạt gạo đạt quy chuẩn, chất lượng để xuất khẩu. Với công suất 4 tấn/giờ, cho sản lượng bình quân 25 tấn/ngày, gia đình chị đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu thông qua doanh nghiệp lớn của thành phố Hải Phòng. Nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng, xã Quang Trung (chuyên sản xuất các dòng sản phẩm đồ uống đóng chai) đã nỗ lực áp dụng mọi quy trình kỹ thuật, nâng tầm chất lượng để sản phẩm trà tươi hương chanh mật ong S24 đạt chuẩn OCOP được xếp hạng 4 sao. Ngoài ra toàn huyện còn có 5 cơ sở với 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao là: Sản phẩm gạo sạch Công ty TNHH Bốn Thuận, xã Hợp Hưng; HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường với sản phẩm trứng gà sạch; khu sinh thái Núi Ngăm với sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn; cơ sở sản xuất Lê Giáp, xã Kim Thái với 2 sản phẩm kẹo lạc Sìu Châu và kẹo Dồi; cơ sở Tiến Thuấn, xã Kim Thái với sản phẩm dầu lạc Tiến Thuấn. Sau khi có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, các doanh nghiệp, cơ sở kể trên đều không ngừng gia tăng uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút thêm nhiều đối tác lựa chọn cung ứng, tiêu dùng sản phẩm. Nỗ lực từ phía chính quyền, ngành chức năng và bản thân các cơ sở, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong kết quả chung toàn huyện đạt được. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN-TTCN, xây dựng năm 2020 của huyện ước đạt 5.850 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 14% so với năm 2019. Giá trị dịch vụ, thương mại năm 2020 ước đạt 1.988 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 13,8% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,8%.

Năm 2021, để tạo điểm khởi đầu tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 huyện Vụ Bản yêu cầu các cơ quan, ngành, các xã, thị trấn tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp củng cố trạng thái bình thường mới, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế. Thúc đẩy thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; tổ chức đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp đã triển khai hiệu quả để nhân ra diện rộng; tập trung nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, phát triển toàn diện trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Ðảm bảo tổng diện tích gieo trồng 18.900ha, trong đó: diện tích lúa 16.400ha, diện tích màu 2.500ha. Chú trọng lựa chọn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực có tiềm năng, lợi thế phát triển tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm soát chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc góp phần phát triển nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Ðẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của huyện. Toàn huyện phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,3%, trong đó nông, lâm, thuỷ sản 2,8%; công nghiệp, xây dựng đạt 18%; dịch vụ, thương mại, du lịch đạt 12,7%. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) năm 2021 đạt 10.798 tỷ đồng; trong đó nông, lâm, thủy sản đạt 1.654 tỷ đồng; công nghiệp, xây dựng đạt 6.903 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 2.241 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com