Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là một yêu cầu bức thiết để thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo cơ hội đột phá trong phát triển kinh tế.
UBND tỉnh thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Năm 2020 cùng với nỗ lực phòng, chống, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành, các địa phương đã nỗ lực nâng cao chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp: rút ngắn thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký thay đổi xuống còn 1,5 ngày (giảm 1,5 ngày so với quy định); tiếp nhận và giải quyết đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 1,5 ngày làm việc; đạt tỷ lệ 100% hồ sơ xử lý đúng hạn... Nhờ đó, dù ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh nhưng thu hút đầu tư của tỉnh vẫn đạt kết quả khá. Năm 2020, 84 dự án (65 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 3.430,2 tỷ đồng và 54,96 triệu USD. 2 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước cao hơn 6,3 lần so với cùng kỳ. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 115 doanh nghiệp và 7 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 730,1 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn lên 9.626 doanh nghiệp và 781 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 72.438,2 tỷ đồng.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 19-1-2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06 yêu cầu các sở, ngành, các địa phương coi cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và phải bám sát đòi hỏi phát triển thực tiễn để thực hiện các giải pháp trọng tâm mới, “tiếp lửa” cho cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, các địa phương đã tăng cường phối hợp, kết nối giải quyết các vướng mắc, bất cập, các rào cản pháp lý trong đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cải thiện tình trạng những tồn tại bất cập. Cụ thể tập trung cải thiện, nâng hạng các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 5 năm trước bị giảm điểm, giảm hạng. Trong đó, có 3/10 chỉ số thành phần tăng điểm nhưng giảm hạng gồm cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 4/10 chỉ số thành phần giảm điểm và giảm hạng gồm tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động. Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Giám đốc Sở TN và MT cho biết: Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai phải thực hiện rất nhiều thủ tục như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập hồ sơ trình phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, lập quy hoạch mặt bằng, phê duyệt các thủ tục liên quan, giải phóng mặt bằng; lập hồ sơ ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất. Phía doanh nghiệp luôn “sốt ruột” thấy phức tạp, mất nhiều thời gian, còn phía chính quyền, ngành chuyên môn thì phải thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật việc rút gọn quy trình thủ tục phụ thuộc quy định của Trung ương chứ không thuộc thẩm quyền địa phương. Trước phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, ngày 18-12-2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 148 sửa đổi một số quy định thực hiện Luật Đất đai. Vì vậy, hiện nay Sở TN và MT đang tập trung rà soát, xem xét, tham mưu UBND tỉnh phương án chỉ đạo thực hiện theo các quy định mới. Tăng cường hướng dẫn các huyện, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, các hộ gia đình phương thức hoàn thiện hồ sơ nhanh hơn; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tham mưu UBND tỉnh cho phép lập quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. Giải quyết kịp thời các thủ tục giao đất, cho thuê đất, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, công trình phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ nguyên nhân kéo dài trong quá trình xử lý các thủ tục liên quan đến sử dụng đất là do quy định pháp luật, không phải do người và cơ quan thực thi gây phiền hà.
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương tiếp tục cải thiện tình trạng thiếu tính đồng bộ giữa các quy hoạch, nâng cao chất lượng công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch. Đảm bảo thực thi đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái pháp luật. Tiếp tục đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên các nhiệm vụ: Xây dựng các cơ sở dữ liệu số (trong đó ưu tiên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký kinh doanh, dân số, tài chính, bảo hiểm); đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Nam Định sau khi vận hành thử nghiệm để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo cung cấp 85% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 4; đẩy mạnh ứng dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các biện pháp thiết thực gồm: Tiếp tục thực hiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9-11-2018 của Chính phủ nhằm cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư đang được triển khai tại tỉnh; thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với những lĩnh vực ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy