Xúc tiến thương mại (XTTM) đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thời gian gần đây hoạt động XTTM có nhiều đổi mới theo hướng lấy đối tác, doanh nghiệp làm trung tâm để lựa chọn sản phẩm chủ lực cho từng thị trường cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển thương mại điện tử để xóa khoảng cách thực tế, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng. Do đó, đã có nhiều chương trình XTTM phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ký kết giao thương giữa Công ty CP May Sông Hồng và Công ty TNHH Toản Xuân tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Nam Định năm 2020. |
Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công Thương) đã tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính là: hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, tư vấn kinh doanh, tổ chức các hoạt động XTTM; đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp thông qua các hình thức tổ chức hội chợ thương mại, giới thiệu hàng hóa và kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng ứng dụng CNTT. Trên cơ sở đó, toàn bộ thông tin thương mại như: cơ chế chính sách pháp luật mới; thông tin về thị trường và ngành hàng được hưởng các chính sách ưu đãi thuế quan; cảnh báo thương mại khi giao dịch trực tuyến với các đối tác nước ngoài; giới thiệu tiềm năng xuất khẩu của địa phương, của các doanh nghiệp với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước… đều được thể hiện trên Trang Thông tin điện tử của Sở Công Thương, bản tin Công Thương và các văn bản điện tử gửi qua email cho các đơn vị, doanh nghiệp. Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến với các đối tác nước ngoài; kết nối trưng bày hàng hóa trực tuyến tại các hội chợ triển lãm quốc tế, cung cấp thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chương trình thương hiệu quốc gia... Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật, nâng cao nhận thức khi hoạt động XTTM trên môi trường mạng, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu và hướng dẫn doanh nghiệp nghiên cứu phương án chuyển đổi, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế cũng như tiếp cận đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ mới. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng nghiên cứu đổi mới công tác XTTM theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác ứng dụng CNTT, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước... Cách làm này không chỉ đảm bảo chuyển tải thông tin nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí đi lại, thuê gian hàng và đặc biệt là hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ XTTM địa phương và quốc gia. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 20 hội chợ triển lãm thương mại với quy mô 350-400 gian hàng/hội chợ cấp tỉnh; hỗ trợ trên 6.000 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; 12 hội nghị kết nối cung cầu, liên kết chuỗi với các địa phương trong cả nước. Những hoạt động trên đã giúp cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có dịp gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, phát triển chuỗi cung ứng bền vững... Đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động XTTM càng phát huy hiệu quả. Do đó mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, nhiều hoạt động XTTM truyền thống như hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm… bị hủy hoặc hoãn thời gian thực hiện nhưng Trung tâm đã tổ chức tốt cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến toàn quốc đối với những ngành hàng trọng điểm như nông sản, thủ công mỹ nghệ, quà tặng…; hỗ trợ 52 lượt doanh nghiệp, 5 hợp tác xã tham gia 13 hội chợ, triển lãm với trên 30 gian hàng tại các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Quảng Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Kon Tum, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Cần Thơ với sản phẩm chủ lực của các làng nghề truyền thống cơ khí, gỗ mỹ nghệ, hàng may mặc, quà tặng và thủ công mỹ nghệ, nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tổ chức kết nối giao thương trực tuyến cho các sản phẩm địa phương. Tại hầu hết các sự kiện giao thương, gian hàng của tỉnh luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan, mua sắm, các đối tác trong và ngoài nước. Ngoài doanh số bán lẻ tại mỗi hội chợ ước đạt hàng trăm triệu đồng, các doanh nghiệp trong tỉnh còn ký kết được nhiều hợp đồng nguyên tắc, phân phối, tiêu thụ như: trao đổi hợp tác giữa Công ty Yến Sào KomTum và chuỗi siêu thị Minmart; Công ty CP MD Queens (Hà Nội) và siêu thị Co.op mart - Nam Định; Hợp tác xã Tâm Hòa (Yên Bái), Bánh đậu xanh Hải Dung (Hải Dương) và Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định; Công ty CP May Sông Hồng và Công ty TNHH Toản Xuân.
Tại chuỗi các sự kiện XTTM quốc gia năm 2020 tổ chức tại thành phố Nam Định, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong XTTM những năm gần đây, đặc biệt là trong quảng bá sản phẩm và khai thác mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc đẩy mạnh XTTM trên nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển thương mại điện tử là một thành công trong đổi mới phương thức, khắc phục khó khăn về không gian và thời gian, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mặt hàng tiềm năng, từ đó đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Thời gian tới, công tác XTTM tiếp tục được tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm chăn nuôi, nông, lâm sản chế biến. Duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh về vai trò, lợi ích và kỹ năng XTTM, thương mại dịch vụ. Khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế vào thực hiện công tác XTTM, phát triển thương mại dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương