Những năm đầu của thế kỷ XX, đội ngũ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đã liên tục đấu tranh giành quyền sống và không ngừng trưởng thành về nhận thức, ý thức giai cấp. Năm 1929, tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên trong nhà máy được thành lập có 29 hội viên, trên cơ sở đó sớm hình thành chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Nam Định, trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh từ ngày 25-3-1930 của hơn 4.000 công nhân Nhà máy Sợi Nam Định đã diễn ra trong 21 ngày liên tục và đã giành thắng lợi to lớn, kẻ thù đã buộc phải chấp nhận các yêu sách của công nhân. Ngày 25-3 đã đi vào lịch sử vẻ vang, ghi dấu truyền thống đấu tranh cách mạng và là niềm tự hào của đội ngũ công nhân Dệt Nam Định. Ngày 4-6-2010, Thủ tướng đã ký Quyết định chọn ngày 25-3 làm ngày truyền thống của ngành Dệt may Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành và sự phát triển của đất nước. Với vị thế là cái nôi của ngành, cán bộ, công nhân và đội ngũ doanh nghiệp Dệt May Nam Định luôn nỗ lực vượt khó, phát triển dệt may thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh và luôn giữ vị trí trong tốp đầu toàn quốc.
Sản xuất tại Nhà máy May Sông Hồng Nghĩa Hưng (Công ty CP May Sông Hồng). |
Theo ngành Công Thương, những năm qua, lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất trong ngành không ngừng tăng, rải đều trên toàn tỉnh, đặc biệt đã tích cực mở rộng ở nhiều địa bàn vùng nông thôn giải quyết một lượng lớn lao động nông thôn mới chuyển sang lĩnh vực công nghiệp. Nhóm doanh nghiệp quy mô lớn đã chú trọng đầu tư chiều sâu và đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, phục vụ xuất khẩu. Hàng dệt may của các doanh nghiệp Nam Định ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu, có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới; xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dệt may, da giày đạt 13%/năm và chiếm 49% giá trị sản xuất công nghiệp. Báo cáo của Công đoàn ngành Công Thương khẳng định tinh thần nỗ lực vượt khó, quyết tâm chung sức đẩy mạnh các phong trào thi đua của cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành dệt may góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ, đứt quãng dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp dệt may rất nỗ lực thực hiện các hoạt động chăm lo thiết thực để người lao động yên tâm sản xuất; đã đóng góp tích cực vào sự ổn định xã hội, không để lao động địa phương thất nghiệp, giảm nhiều thu nhập. Một số doanh nghiệp như Công ty CP May Nam Hà, Dệt May Sơn Nam, May Sông Hồng... còn chi bù lương, hỗ trợ gạo, dầu ăn, mì chính, xà phòng diệt khuẩn cho người lao động trong đợt thực hiện giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi sản xuất, linh hoạt, tìm kiếm, đa dạng nguồn nguyên liệu phụ trợ, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, dòng sản phẩm bạn hàng chuẩn bị gia tăng nhu cầu tiêu dùng, chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống, tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thích ứng nhanh và uyển chuyển, thị phần của hàng dệt may Nam Định cùng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tiếp tục đã khẳng định, củng cố được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Năm 2020 trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%, nhiều nhóm sản phẩm dệt may của tỉnh vẫn đạt mức tăng khá so với năm trước: sợi các loại tăng 8,6%; vải các loại tăng 4,2%; quần áo may sẵn tăng 6,1%.
Thi đua lập thành tích chào mừng Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam, ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp dệt may đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, an toàn dịch bệnh, động viên công nhân hăng hái tham gia các phong trào “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua sáng kiến, cải tiến trong sản xuất”, “Chất lượng sản phẩm, làm đến đâu được đến đó”... Công đoàn các doanh nghiệp dệt, may đẩy mạnh các chương trình, hoạt động ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của công nhân ngành Dệt may Việt Nam, trong đó có truyền thống của công nhân Dệt Nam Định hun đúc tinh thần cách mạng, quyết tâm vượt khó vươn lên. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển dịch sang sản xuất các dòng sản phẩm có mức giá mềm hơn để đáp ứng xu hướng tiêu dùng tiết kiệm giảm mức chi trả của người tiêu dùng trong và ngoài nước. So với cùng kỳ năm trước, 2 tháng đầu năm 2021, ngành Dệt May của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng tại các nhóm sản phẩm sợi các loại tăng 8,2%, vải các loại tăng 3,3%, khăn các loại tăng 11,7%, quần áo may sẵn tăng 13%. Theo đại diện một số doanh nghiệp dệt may lớn, hiện nay các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết tháng 7, tháng 8; một vài đơn vị còn ký được các đơn hàng đến hết năm 2021; trong đó các mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông chiếm tỷ lệ cao trong tổng đơn hàng với lượng hàng của mỗi đơn tương đối lớn. Về tổng quan, số lượng đơn hàng chưa hoàn toàn khả thi như thời điểm trước dịch COVID-19 nhưng việc có đủ đơn hàng, duy trì sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động là tín hiệu tích cực cho quá trình phục hồi cũng như cơ hội tiếp tục phát triển của ngành dệt may.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, người lao động, tỉnh luôn đồng hành, sát cánh, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển ngành dệt may từ các chiến lược dài hơi để thu hút đầu tư; gỡ khó liên quan đến các rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật, thương mại… Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành theo chu trình chuỗi khép kín từ nguyên liệu đến thành phẩm nhằm gia tăng lợi nhuận và giá trị lao động ngành dệt may. Trong thu hút đầu tư năm 2021, tỉnh cũng chú trọng bố trí các điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển ngành dệt may. Sở Công Thương tăng cường định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi khép kín để đáp ứng quy tắc xuất xứ và chủ động nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu xơ sợi và tăng cường phát triển các công đoạn sản xuất như nhuộm, sản xuất các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm theo hướng giảm sản lượng sản phẩm gia công; gia tăng nhóm sản phẩm sợi, vải, phụ kiện; định hướng phát triển xuất khẩu đồng thời với chú trọng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Hỗ trợ doanh nghiệp dệt may đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Đồng thời, tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy