5 năm qua, tỉnh ta đã huy động được 175 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, tăng bình quân 17,4%/năm; tỷ lệ huy động vốn từ nền kinh tế đạt 33,5% (GRDP). Trong đó, vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 16%, tăng bình quân 3,3%/năm; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, tăng bình quân 23%/năm. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư hoàn thành nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong thi công tuyến giao thông liên huyện Vụ Bản - Ý Yên. |
Trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt đầu tư công, nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, Ban TVTU đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư các khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất tạo nguồn thu, tăng cường cho đầu tư công. Giải pháp mang tính đột phá này vừa góp phần thúc đẩy đô thị hóa ở khu vực nông thôn, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân khi đưa doanh nghiệp về nông thôn đã tạo ra nguồn thu nhập tích lũy cho một bộ phận người lao động. Hết năm 2020, toàn tỉnh đã và đang triển khai được trên 70 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn; số tiền thu được từ nguồn đấu giá đất đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ đấu giá đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung được phân cấp cho các huyện, thành phố để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Tổng thu ngân sách 5 năm (2016-2020) ước đạt 24.400 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 14%/năm. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, đột phá. Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến, thu hút đầu tư; đồng thời tập trung chỉ đạo tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Tổng giá trị đăng ký vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 ước đạt 3,5 tỷ USD vốn FDI (tăng 8 lần so với nhiệm kỳ trước) và trên 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước). Tổng giá trị vốn đầu tư đăng ký 2 tháng đầu năm 2021 là 730,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc đẩy mạnh thu hút xã hội hóa đã góp phần gia tăng đáng kể nguồn lực trong xây dựng các công trình xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, xây dựng khu, CCN. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 53 nhà máy sản xuất nước sạch; 186 công trình xử lý rác thải nông thôn. Trong đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, tái chế rác thải quy mô liên xã, liên vùng gồm: Công ty CP Đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC (KCN Hòa Xá), Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực tại thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Công ty TNHH Môi trường đô thị Trực Ninh tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Công ty CP Năng lượng Greenity Nam Định đầu tư Nhà máy điện rác Greenity tỉnh Nam Định.
Đẩy mạnh đầu tư công được tỉnh xác định là một trong các giải pháp quan trọng cần tiếp tục ưu tiên thực hiện quyết liệt để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế năm 2021 tăng trưởng trong điều kiện tình thế dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, tỉnh xác định tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án, công trình hạ tầng giao thông, văn hóa, xã hội trọng điểm gồm: Các tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch của tỉnh có tính chất liên vùng như đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II), cầu Bến Mới, cầu Ninh Cường, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định - Ninh Bình - Hòa Bình, các tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C; đoạn tránh Đền Trần Quốc lộ 38B từ Hà Nam - Nam Định, tuyến đường huyện từ đê Tả Đáy đến đường 57B huyện Ý Yên. Ưu tiên đầu tư xử lý các điểm xung yếu, các công trình phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả thiên tai; củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi theo quy hoạch; đầu tư xây dựng cảng cá Quần Vinh; xây dựng kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. Tiếp tục triển khai và hoàn thành xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung của các huyện, thành phố theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tăng cường xây dựng, nâng cấp mạng lưới diện, thông tin, viễn thông hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục khai thác, huy động hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tại Chương trình hành động 01, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX đã xác định các giải pháp, nhiệm vụ thiết thực. Cụ thể, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm nòng cốt để lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, ngân sách địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc khai thác, huy động nguồn lực từ quỹ đất, nhất là quỹ đất tại thành phố Nam Định, trung tâm các huyện, xã và hai bên các tuyến giao thông trọng điểm như tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để tạo nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu ngân sách; tổ chức khai thác tốt các nguồn thu, phấn đấu có thêm các nguồn thu lớn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Quản lý và sử dụng chặt chẽ, hiệu quả ngân sách Nhà nước và tài sản công; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để dành tăng chi cho đầu tư phát triển. Công bố danh mục các dự án khuyến khích đầu tư để huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Áp dụng linh hoạt các hình thức kêu gọi vốn đầu tư theo các hình thức xã hội hoá, hợp tác đối tác công tư (PPP)./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy