Bám sát mục tiêu, định hướng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT) đã tích cực lựa chọn, lai tạo giống mới và khảo nghiệm các giống cây trồng du nhập có tiềm năng năng suất, chất lượng và phù hợp khả năng canh tác, điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng với sự biến đổi khí hậu, góp phần bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Sản xuất khoai tây sạch bệnh từ nguồn giống khảo nghiệm của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định tại HTX Nam Hùng (Nam Trực). |
Mặc dù điều kiện để chọn tạo, khảo nghiệm các giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng của Trung tâm rất khó khăn bởi thiếu tài nguyên về nguồn gen, nguồn giống chủ yếu được du nhập từ nước ngoài nên không thể khai thác được nguồn gen bản địa. Để bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nghiên cứu, lưu giữ, sản xuất và cung cấp giống cây trồng cho nông dân, Trung tâm đã lựa chọn đưa vào trình diễn những giống đã được Bộ NN và PTNT công nhận hoặc đang được phép sản xuất thử tại địa bàn tỉnh; những giống có tính khác biệt và tính mới so với giống cây trồng cũ đang được nông dân sử dụng để sản xuất, đồng thời đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Theo đó, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, duy trì, sản xuất một số dòng lúa lai bố mẹ triển vọng để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Trung bình mỗi năm, Trung tâm cung ứng giống lúa bố mẹ cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đủ sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 400ha. Trong những năm gần đây, đứng trước yêu cầu về nâng cao chất lượng các loại giống lúa chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu chí “ăn ngon” của người tiêu dùng, Trung tâm đã chú trọng lựa chọn các giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất ổn định thay thế giống lúa cũ bị thoái hóa, chất lượng, năng suất giảm sút, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao. Trung tâm đã phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam du nhập nguồn gen, chọn tạo, khảo nghiệm một số giống lúa mới trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm lai tạo, thuần chủng nhận thấy giống lúa Thiên Trường 900 là giống có chất lượng gạo ngon, thơm, năng suất cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 15-20%, vụ xuân năm 2017, Trung tâm đã tổ chức khảo nghiệm tại Trung tâm Khảo nghiệm giống quốc gia về tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất và giá trị canh tác, sử dụng. Kết quả khảo sát qua 2 vụ và 8 điểm khảo nghiệm tại 8 tỉnh, thành phố ở miền Bắc cho thấy đây là giống lúa không trùng lập với bất cứ giống lúa nào và có giá trị về canh tác, sử dụng. Từ kết quả đó Trung tâm tiếp tục tiến hành khảo nghiệm diện rộng tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Nam Trực, Xuân Trường với quy mô gần 20ha. Kết quả giống lúa Thiên Trường 900 có tính ổn định cao, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, cao hơn giống lúa cấy đối chứng là Bắc thơm số 7 là 10-12 tạ/ha, chất lượng thơm, ngon, gạo nấu ăn dẻo dai, thời gian bảo quản kéo dài do cấu trúc tinh bột chuyển hóa chậm nên bảo tồn được chất lượng gạo; giống lúa có thể bảo tồn trong thời gian 3 năm mà vẫn bảo đảm tỷ lệ nảy mầm tốt. Toàn bộ lượng thóc thương phẩm được Trung tâm thu mua để chế biến bán gạo cung cấp cho các đại lý, cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hiện, Trung tâm đang tích cực chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ để công bố giống Thiên Trường 900 là giống lúa đạt tiêu chuẩn giống quốc gia để bổ sung vào bộ cơ cấu giống lúa của tỉnh để nhân ra diện rộng, thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hóa, không còn thuần chủng. Bên cạnh đó, Trung tâm đang tiếp tục khảo nghiệm thêm giống lúa hạt dài là HD01, Sóc Trăng phục vụ sản xuất lúa xuất khẩu. Qua 3 vụ khảo nghiệm tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy các giống lúa này đã được thuần chủng có chất lượng gạo đậm hơn giống gốc, năng suất cao, tỷ lệ hư hao qua xay xát thấp do hạt gạo ít bị gãy nát. Ngoài lúa, Trung tâm còn tích cực khảo nghiệm các giống khoai tây nhập khẩu từ Đức, Hà Lan góp phần nâng cao năng lực, tính chủ động trong sản xuất khoai tây sạch bệnh cho các địa phương, đơn vị. Phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam khảo nghiệm giống đậu xanh trong vụ đông năm 2020 làm cơ sở thay thế các giống đậu truyền thống. Kết quả cho thấy, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vụ đông, thời gian trồng muộn nhưng giống đậu xanh này vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, có thể trồng được ở nhiều chân đất, quả chín tập trung giúp người trồng thu hoạch gọn trong 2 lượt, không phải thu hoạch rải rác như các giống đậu khác, giúp giảm công lao động.
Thời gian tới, Trung tâm Giống cây trồng Nam Định sẽ chuyển đổi sang mô hình hoạt động theo hình thức tự chủ theo quy định. Vì vậy, Trung tâm sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ để công bố độc quyền các giống cây trồng do đơn vị khảo nghiệm, chọn tạo nhằm nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm của mình làm ra; đồng thời có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm, duy trì, nâng cấp các loại giống cây trồng. Cùng với đẩy mạnh thương mại hóa các loại giống cây trồng, Trung tâm tiếp tục tăng cường hoạt động chế biến các loại sản phẩm sau thu hoạch, trước mắt là sản xuất gạo từ nguồn giống chất lượng cao và bản quyền của đơn vị. Đẩy mạnh xây dựng một số mô hình cây rau màu, cây ăn quả; chuyển đổi diện tích trồng khoai tây, cấy lúa sang trồng dưa lê, dưa hấu cho thu nhập cao hơn. Nỗ lực duy trì và mở rộng quy mô cung ứng giống khoai tây với chất lượng bảo đảm, gia tăng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh; tăng cường liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường cung ứng giống, kỹ thuật sản xuất. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết, yêu nghề, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.
Bài và ảnh: Văn Đại