Đẩy mạnh hành động ứng phó biến đổi khí hậu

05:03, 05/03/2021

Nằm phía Nam đồng bằng sông Hồng, với 3 huyện ven biển và đường bờ biển dài 72km, tỉnh ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng với các tác động đến hoạt động sản xuất kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, con người. Ðáng kể BÐKH gây nhiều bão, lũ, tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê biển gây mất an toàn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân; tình trạng ngày nắng bất thường với nhiệt độ cao trong thời gian dài; không khí lạnh, nhiễm mặn, xâm thực... Vì vậy, công tác ứng phó với BÐKH là nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh trong các kế hoạch, chiến lược phát triển.

Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic xã Trực Thái (Trực Ninh) đầu tư công trình xử lý nước thải công nghiệp góp phần bảo vệ môi trường.
Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic xã Trực Thái (Trực Ninh) đầu tư công trình xử lý nước thải công nghiệp góp phần bảo vệ môi trường.

Trong đó, nhóm giải pháp công trình bao gồm xây dựng mới công trình, tu bổ và nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất phòng chống thiên tai. Tỉnh chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình đầu tư nâng cấp đê kè biển, xây dựng hệ thống công trình phục vụ sản xuất phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều dự án tu sửa, nâng cấp đê điều được triển khai đầu tư, giao vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể như: Dự án hoàn thiện mặt cắt, gia cố mặt 5 đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh với tổng mức đầu tư là 169,9 tỷ đồng (120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, phần còn lại từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác). Dự án được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023, quy mô đầu tư gồm: Ðê tả Ninh đoạn từ K11+000 - K14+370 thuộc các huyện Xuân Trường, Hải Hậu; đê hữu Ninh đoạn từ K0+000 - K5+290 và đoạn từ K9+000 - K11+900 huyện Trực Ninh; đê tả Ninh đoạn từ K27+990 - K32+838 huyện Trực Ninh; đê tả Ninh đoạn từ K40+000 - K43+212 huyện Hải Hậu; đê hữu Hồng đoạn từ K185+240 - K188+833 huyện Trực Ninh. Tỉnh phân bổ 19 tỷ 935 triệu đồng từ nguồn kinh phí duy tu đê và kinh phí xây dựng nông thôn mới để các huyện, thành phố tiến hành cải tạo, nâng cấp 17 “tuyến đê kiểu mẫu” gồm: Phát quang, chỉnh trang mái đê, xây tường đỉnh, tường chân, tường dọc mái đê và bậc lên xuống bằng gạch. Năm 2021, tỉnh bố trí 13,235 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch giải ngân để thực hiện dự án nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão sông Hồng và tả sông Ðào thành phố Nam Ðịnh; dự kiến bố trí 70 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê sông xung yếu. Các ngành, các địa phương đã lồng ghép các yêu cầu thích ứng BÐKH từ khâu quy hoạch cũng như cải tạo, xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật. Như ngành Xây dựng, đã lồng ghép thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò gạch đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh nhằm không phát sinh ô nhiễm môi trường không khí, đảm bảo sức khỏe người dân và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và nước thải thành phố Nam Ðịnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu cải tạo, phát triển hệ thống mạng lưới thoát nước mưa, nước thải, định hướng quy mô, công suất, xác lập vị trí các nhà máy xử lý nước thải cho khu vực nghiên cứu quy hoạch một cách hợp lý, đồng bộ, đáp ứng yếu tố BÐKH trong tương lai. Ðối với nhóm giải pháp phi công trình, tỉnh tập trung vào các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng, cơ chế chính sách, các hoạt động vận động cộng đồng chung sức, chủ động tham gia các chương trình, dự án góp phần ứng phó BÐKH. Trong sản xuất nông nghiệp, ngành NN và PTNT, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ để thích ứng với BÐKH, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, sản xuất lúa, màu, chăn nuôi, nuôi thủy sản, có chất lượng và giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại các địa phương. Tiêu biểu là mô hình hợp tác, liên kết thành công chuỗi từ người nuôi, nhà cung cấp với nhà máy chế biến trong nuôi ngao Meretrix Lyrata đạt chứng nhận ASC của tỉnh ta trong năm 2020. Trong sản xuất công nghiệp, ngành Công Thương đã vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường xuyên cải tiến thiết bị, nâng cao hiệu suất, thay đổi quy trình vận hành nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; tăng cường áp dụng sản xuất sạch. Ðể tạo sự đồng bộ, có lộ trình dài hơi trong công tác chủ động ứng phó BÐKH, ngày 12-8-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động, ứng phó BÐKH tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1665/QÐ-UBND ngày 12-8-2019. Sau khi kế hoạch của tỉnh được phê duyệt, Sở TN và MT đã tổ chức hội  nghị công bố, triển khai thực hiện, đồng thời hướng dẫn một số nội dung cơ bản xây dựng kế hoạch hành động của các huyện, thành phố. Tuy nhiên đến cuối năm 2020 mới có huyện Mỹ Lộc xây dựng dự thảo kế hoạch và xin ý kiến góp ý của Sở TN và MT, các huyện còn lại chưa tiến hành thực hiện, chủ yếu do khó khăn về kinh phí. Bên cạnh đó, dù ngành chức năng, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động người dân, doanh nghiệp tích cực, tự giác thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó BÐKH nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.

 Nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chủ động thực hiện các chương trình, hành động ứng phó của người dân, doanh nghiệp trong điều kiện BÐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhanh hơn dự báo, tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cung cấp kiến thức thực tế và những vấn đề liên quan đến BÐKH. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm đối với công tác BVMT, chủ động ứng phó với BÐKH. Từ nay đến năm 2025, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phải chủ động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý các cấp về BÐKH các ngành, lĩnh vực và địa phương. Ðẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về BÐKH và phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó với BÐKH của các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã và cộng đồng dân cư để có được kế hoạch ứng phó hiệu quả, kịp thời trước BÐKH. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương khẩn trương hoàn tất xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với BÐKH cho ngành, lĩnh vực mình; đặc biệt là 3 huyện ven biển (Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu) do phải chịu tổn thương cao nhất dưới tác động của BÐKH. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về BÐKH trên địa bàn tỉnh; đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai; phát triển bổ sung mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh. Rà soát toàn bộ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn để lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp, bổ sung phù hợp với điều kiện ảnh hưởng của BÐKH. Tiếp tục đề xuất sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và có kế hoạch bố trí vốn kịp thời cho các dự án nâng cấp đê sông, đê biển theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là các dự án dở dang, ưu tiên sắp xếp đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng trong kế hoạch 5 năm và hàng năm cho các huyện ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của BÐKH./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com