Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên lợn diễn biến khá phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt đối với những bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng và thuốc chữa trị đặc hiệu như bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, nhận thức, kiến thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) còn nhiều hạn chế, việc thực hiện các nguyên tắc ATSH vào thực tế chăn nuôi yếu kém. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, huyện Vụ Bản đã tích cực chỉ đạo triển khai xây mô hình chăn nuôi ATSH đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.
Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học của gia đình ông Đỗ Ngọc Chuân, thôn Đắc Lực, xã Liên Bảo. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Tiền, xã Tam Thanh là một trong những hộ đầu tiên của huyện Vụ Bản được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp với Sở NN và PTNT; UBND huyện Vụ Bản lựa chọn triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ATSH. Ông Dũng cho biết: Trước đây do thiếu kiến thức nên ông chưa xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lợn. Việc sử dụng chế phẩm sinh học và kháng sinh còn nhiều bất cẩn, không tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn; quá trình sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn, nước uống chưa tuân thủ về liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nên hiệu quả không cao. Công tác khử trùng, phòng bệnh chỉ làm theo kinh nghiệm, truyền miệng nên chưa đúng quy trình kỹ thuật. Việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh, chữa bệnh cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chủ yếu theo hướng dẫn của người kinh doanh thuốc thú y mà không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn không cao… Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản, ông Dũng đã đầu tư cải tạo, nâng cấp trang trại đáp ứng các tiêu chí về ATSH theo đúng khuyến cáo. Theo đó, ông xây dựng cổng và hàng rào bao quanh ngăn cách với các khu vực khác nhằm kiểm soát việc ra vào khu vực chăn nuôi. Xây hố khử trùng trước cổng ra vào cơ sở chăn nuôi và trước cửa chuồng nuôi. Tổ chức sắp xếp, bố trí lại chuồng nuôi phù hợp với từng lứa tuổi lợn; sửa lại hệ thống máng ăn, vòi uống tự động để phù hợp với các lứa tuổi lợn; trang bị lưới kín che chắn tại các cửa sổ để chống côn trùng, chuột; cải tạo lối đi khu vực chăn nuôi, nâng mái chuồng lợn, làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp, bạt chống nóng. Nhờ đó, ông Dũng đã tổ chức tái đàn, phát triển chăn nuôi an toàn với 120 con lợn thịt, 15 con lợn nái; đàn lợn khỏe mạnh, phát triển nhanh. Ông vừa xuất bán toàn bộ đàn lợn thịt “được mùa, được giá” nên rất phấn khởi, tiếp tục tổ chức vào lứa nuôi mới…
Để đẩy mạnh phát triển xây dựng mô hình chăn nuôi ATSH, trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tế ở 17 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Cục Chăn nuôi và FAO đã lựa chọn 4 cơ sở chăn nuôi ở các xã: Liên Bảo, Tam Thanh, Kim Thái và Hiển Khánh (Vụ Bản) triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ATSH. Ông Đỗ Ngọc Chuân là hộ chăn nuôi ở xã Liên Bảo được hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình cho biết: Trước đây, chuồng nuôi lợn của gia đình tôi không khép kín, nên khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã không thể tránh được thiệt hại. Xác định tiếp tục phát triển kinh tế gia đình bằng nuôi lợn nên ngay sau khi được tỉnh, huyện hỗ trợ tôi đã quyết định đầu tư xây sửa lại chuồng nuôi theo hình thức khép kín, đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH; để nhập con giống tái đàn. Đến nay toàn bộ đàn lợn của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh… Với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án và công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi tham gia dự án đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp về hạ tầng, trang thiết bị chăn nuôi, thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi lợn ATSH. Căn cứ kế hoạch của từng cơ sở, trong quá trình xây dựng mô hình, Cục Chăn nuôi, tổ chức FAO, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc cơ sở cải tạo, nâng cấp mô hình đáp ứng các tiêu chí về ATSH theo đúng khuyến cáo của chuyên gia. Đến nay, ở cả 4 mô hình hoàn thành 100% việc nâng cấp mô hình theo đúng cam kết, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả như: khu vực chăn nuôi đều cách xa nhà ở, có cổng và hàng rào bao quanh ngăn cách với các khu vực khác; tại cổng ra vào cơ sở chăn nuôi, trước khu vực chăn nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều có biển báo hướng dẫn; Xây mới hố khử trùng trước cổng ra vào cơ sở chăn nuôi và trước cửa chuồng nuôi; sắp xếp, bố trí lại chuồng nuôi phù hợp với từng lứa tuổi vật nuôi; sửa lại hệ thống máng ăn hoặc trang bị máng ăn tự động; lắp đặt lại hệ thống vòi uống tự động để phù hợp với các lứa tuổi lợn; trang bị lưới hoặc làm cửa kính kín che chắn tại các cửa sổ để chống côn trùng, chuột; cải tạo lối đi khu vực chăn nuôi, nâng mái chuồng lợn, làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp hoặc tôn lạnh, bạt chống nóng.
Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Các cơ sở tham gia mô hình đã thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, vệ sinh tiêu độc khử trùng tiêu độc và công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hành hữu hiệu việc di chuyển theo hướng đi từ khu sạch đến khu bẩn, thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, biết cách sử dụng thuốc khử trùng đúng cách, đúng liều lượng. Chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp. Các cơ sở chăn nuôi thực hiện quản lý tốt hơn nguồn chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn để xử lý mùi hôi, xử lý chất thải của lợn, cải thiện hệ tiêu hóa cho lợn. Đàn lợn được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; việc mua, sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Các cơ sở chăn nuôi đã biết xây dựng, ứng dụng hiệu quả quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn lợn nuôi.
Từ hiệu quả kinh nghiệm các mô hình điểm về chăn nuôi ATSH này, huyện Vụ Bản đang tiếp tục tổ chức nhân rộng, góp phần phát triển ngành chăn nuôi an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi./.
Bài và ảnh: Văn Đại