Cả một vùng bãi bỏ hoang nổi lên hai trang trại xanh mát mắt cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Hai mô hình trang trại của 2 anh em ruột Bùi Văn Lương và Bùi Văn Vượng, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đang trở thành động lực cho nhiều thanh niên trong vùng học và làm theo.
Trang trại “xanh - sạch - đẹp”
Dẫn tôi đi tham quan khu trang trại rộng 4ha được quy hoạch khá quy củ từ chuồng nuôi bò sinh sản và bò thịt, khu nuôi giun quế, hệ thống ao nuôi cá đến vùng trồng bưởi Diễn, ổi Đài Loan, chuối tây, cỏ voi, cỏ ta…, anh Bùi Văn Lương tâm sự: “Từ 2 mẫu đất hoang hóa ban đầu được như thế này sau 3 năm dồn hết tâm sức và còn tiếp tục thay da đổi thịt trong những năm tới…”.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh em nên cuộc sống khá chật vật. Thương bố, mẹ, thương các em nên anh đã sớm suy nghĩ và đau đáu một câu hỏi phải làm gì để gia đình có kinh tế khá hơn, các em được học hành đầy đủ. Là anh cả trong gia đình, Bùi Văn Lương đã phải “tạm gác bút nghiên” khi mới tốt nghiệp THCS để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau cả chục năm bươn trải, chẳng nề hà việc nặng nhọc, vất vả, cốt kiếm ra đồng tiền chính đáng. Theo thời gian, gia đình anh cũng khá lên, các em anh được học hành, riêng anh còn dành dụm được một khoản vốn kha khá để lập nghiệp.
Trang trại tổng hợp của anh Bùi Văn Lương, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Vùng đất bồi ven sông Hồng của xã Xuân Hồng đã bị bỏ hoang hóa nhiều năm vì “khi mưa hay gặp triều cường cả vùng lại mênh mông nước, khi mùa khô lại nứt nẻ”… Gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ nên nhìn đất bỏ hoang, anh Lương thấy không yên. Từ sự nung nấu, phải làm gì và làm như thế nào trong anh đã tìm ra bài giải cho vùng đất này. Năm 2017, mạnh dạn thuê 2 mẫu vùng bãi bồi, anh bắt đầu khởi nghiệp. Vốn ít thì dùng sức. Rồi vừa thuê vừa mượn anh em, thậm chí cả đổi công… trang trại tổng hợp đã hình thành ngay trong năm đầu lập nghiệp. “Của ruộng đắp bờ” - mỗi năm anh dùng số tiền lãi để thuê thêm đất mở rộng trang trại, tiếp tục đầu tư, đào thêm ao, xây thêm chuồng, mở rộng vườn trồng chuối, cỏ voi, cỏ ta… Đến nay, sau 3 năm cơ ngơi trang trại của anh đã rộng tới 4ha, với cả chục chuồng nuôi bò; 10 ao nuôi cá, ao nhỏ 700m2, ao lớn 1.500m2. Khu trang trại được xem là một mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín, tái sử dụng tối đa các phế phẩm như phân bò được tận dụng để nuôi giun quế và ủ phân hoai mục bón cho cây trồng. Giun quế, thân và lá chuối được băm trộn với cám viên làm thức ăn cho cá. Cỏ voi, cỏ ta làm thức ăn cho bò. Trang trại vì vậy không có chất thải bỏ đi mà lại luôn “xanh - sạch - đẹp”, không có mùi xú uế. Lúc nào trang trại của anh cũng có 35 con bò, vừa là bò sinh sản, vừa là bò thịt. Từ hơn chục con bò sinh sản, mỗi năm anh xuất bán 10-15 con bò thịt với trọng lượng xuất chuồng trên 100 kg/con. 10 ao cá nuôi các loại trôi, mè, trắm, chép, chim trắng… cho thu hoạch 3-5 tấn cá/năm. Chỉ tính riêng chuối tây hàng năm cũng cho thu trên 50 triệu đồng. Trừ hết chi phí mỗi năm trang trại có lãi trên 300 triệu đồng. Theo anh số lãi tiếp tục được đầu tư hoàn thiện trang trại và mở rộng sản xuất. Từ 2 bàn tay trắng, vừa phụ giúp gia đình, đầu tư cho các em ăn học… đến nay, mới 35 tuổi và sau 3 năm lăn lộn với vùng đất bãi bỏ hoang anh Lương đã có cơ ngơi “đẻ” “vài trăm triệu đồng” cho anh “bỏ ống” hàng năm - một con số lý tưởng mà thanh niên nơi đây hằng mơ ước. Và nguồn thu sẽ tăng nhanh trong những năm tới khi mô hình đi vào sản xuất ổn định.
Trang trại “công nghệ cao”
Khác với anh trai, anh Bùi Văn Vượng được học hành “đến nơi, đến chốn”. Sau 4 năm chăm chỉ học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam anh đã tận dụng mọi cơ hội tích lũy kiến thức khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi. Thời gian đi thực tập cũng cho anh những kinh nghiệm quý để tham khảo, áp dụng và chọn nghề khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp Học viện, không cố bám trụ để tìm việc ở lại thành phố mà noi gương người anh trai Bùi Văn Lương, Vượng cũng chọn vùng bãi bồi hoang hóa ven sông quê để lập nghiệp. Tuy nhiên do được đào tạo bài bản, Vượng chọn phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khởi nghiệp, anh thuê 1ha ruộng hoang hóa và chọn cây dưa lưới Nhật Bản trồng theo phương pháp sản xuất trong nhà kính áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Dưa lưới trồng trong nhà kính được quản lý tốt nhất, vừa che nắng, che mưa lại ngăn không cho côn trùng xâm nhập, phá hại. Do vậy mà trang trại đặc biệt “nói không” với các loại hóa chất bảo vệ thực vật độc hại nên tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng - một hướng đi đúng đắn đang được cả xã hội khuyến khích, ủng hộ. Cùng với công nghệ nhà kính, phương thức tưới nhỏ giọt cung cấp lượng nước, lượng dinh dưỡng từ phân bón đến tận gốc từng cây, điều tiết tốt nhất cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng mà không bị lãng phí nước tưới, phân bón. Anh Vượng giải thích: “Chi phí xây dựng nhà kính ban đầu có lớn thật nhưng trong quá trình sản xuất có thể tiết kiệm nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt công chăm sóc… tính ra cũng như nhau song kết quả là tạo ra sản phẩm sạch - đáp ứng với nhu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, việc tiêu thụ thuận lợi…”.
Trên 1ha thuê ban đầu, đến nay Vượng đã kiến thiết được một nhà kính sản xuất công nghệ cao với diện tích 2.300m2. Sau khi xuống giống vào bầu, cây dưa lưới được xếp thành hàng và treo dây cố định; giai đoạn cây ra hoa tiến hành thụ phấn thủ công. Khi đậu quả mỗi cây chỉ để lại 1 quả, đồng thời tỉa hết cành nách tạo sự thông thoáng và hạn chế tối đa tiêu hao dinh dưỡng không cần thiết để tập trung nuôi quả. Khi quả đạt đường kính 2-4cm tiến hành cắt ngọn để tập trung nuôi quả… Những kỹ thuật đó được áp dụng nghiêm ngặt nên khi thu hoạch quả nào quả nấy đều chằn chặn, hình thức đẹp trông thích mắt nên sản phẩm dưa sạch của anh luôn được các cửa hàng kinh doanh rau, quả sạch trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội… đón nhận, chưa khi nào bị ế, không có hàng thải loại. 1 vụ dưa lưới từ 75-85 ngày nên mỗi năm thâm canh quay vòng 3 vụ dưa. Với sản lượng mỗi vụ gần 10 tấn dưa sạch, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng/vụ. “Chỉ cần vài vụ dưa được mùa, được giá là người trồng có thể thu hồi vốn, thậm chí có lãi” - anh Vượng cho biết thêm. Không chỉ trồng mỗi dưa lưới trong nhà kính, Vượng còn trồng xen canh, gối lứa các loại cây trồng mới như dưa chuột baby, dâu tây, hoa ly… tạo nên trang trại “công nghệ cao” tiền tỷ, rất đẹp và hiện đại trên vùng đất hoang hóa này. Trò chuyện với chúng tôi, anh ít nói về thành công của mình mà chủ yếu chia sẻ tâm huyết về kỹ thuật say sưa như một chuyên gia. Hỏi về thành tích anh chỉ cười và nói “Tôi mới làm, mọi thứ còn đang ở phía trước…”. Được biết Vượng còn tham gia Ban quản trị HTX Nông nghiệp của xã. Đây cũng là điều kiện tốt cho anh tiếp tục học tập, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đồng thời đưa những kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân xã Xuân Hồng trong xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa sạch, tiên tiến tiệm cận với công nghệ 4.0.
Trên triền đê sông Hồng giữa mênh mông đồng bãi bỏ hoang nổi bật trang trại của 2 anh em ruột Bùi Văn Lương và Bùi Văn Vượng. Nhìn màu xanh mướt đầy sức sống của trang trại đã thấy một hướng đi cho nhiều vùng ruộng đang bị bỏ hoang ở nơi này nơi kia. Chỉ cần có tâm huyết, ứng dụng khoa học kỹ thuật và những cơ chế phù hợp, ruộng hoang sẽ cho bạc triệu, bạc tỷ ngay tại quê nhà./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh