Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), các địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt tạo bước chuyển tích cực trong xử lý, ngăn chặn vi phạm về đất đai, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, khai thác tài nguyên đất đai.
Cán bộ bộ phận "một cửa" huyện Giao Thủy thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp.
|
I. Chuyển biến đáng ghi nhận
Theo Phó Giám đốc Sở TN và MT Phan Văn Phong, năm 2020 một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý đất đai của ngành TN và MT và các địa phương như: giải quyết bất cập để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; giải phóng mặt bằng; khai thác các nguồn thu từ đất... đạt kết quả cao, góp vai trò lớn trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trong năm, Sở TN và MT đã trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất của 112 công trình, dự án với tổng diện tích 475,06ha đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 61/NQ-HĐND bổ sung danh mục dự án, công trình phải thu hồi đất thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh và phê duyệt bổ sung danh mục dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Thực hiện công tác quản lý, phát triển quỹ đất Sở đã tiếp nhận bàn giao 6 khu đất. Trong đó đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức thuê đất 5 khu đất, gồm: 4 khu đất thương mại dịch vụ tại thị trấn Lâm (Ý Yên), phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định), thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) và xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng); 1 khu đất quy hoạch đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). Sở và các địa phương tích cực phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh gồm: Tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biến với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án xây dựng tuyến đường trục trung tâm phía nam thành phố Nam Định; các dự án xây dựng khu đô thị trung tâm huyện, khu dân cư tập trung. Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp tỉnh mới hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch; trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, đẩy mạnh phương thức giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp mặt bằng sạch để đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Trong khai thác nguồn thu từ đất, Sở đã thực hiện định giá cụ thể cho 40 dự án giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh; thực hiện 5 dự án xác định nghĩa vụ tài chính cho công trình, dự án có giá trị khu đất hơn 20 tỷ đồng. Sở đã trình UBND tỉnh ra quyết định chuyển mục đích và cho thuê 73,97ha đất đối với 41 tổ chức. Tại cấp huyện đã ra quyết định giao 22,9ha đất cho 1.766 hộ gia đình, cá nhân thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở. Thực hiện đấu giá đất cho nhân dân làm nhà ở năm 2020 được 1.860 lô với diện tích 237.636,9m2 với số tiền trúng đấu giá là hơn 1.541,8 tỷ đồng. Tổng thu tiền sử dụng đất 2.370 tỷ đồng (vượt kế hoạch thu năm 2020 là 370 tỷ đồng); góp phần đóng góp tích cực vào kết quả thu ngân sách Nhà nước của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên đất theo hoạch định, lộ trình phát triển dài hơi, trong năm 2020 Sở TN và MT, các địa phương còn tập trung thực hiện hiệu quả công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Trong đó, đã chú trọng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, Sở TN và MT đã phối hợp với các sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2654/QĐ-UBND ngày 2-11-2020 phê duyệt danh mục các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả và chất lượng rà soát, tổng hợp, thống kê, đăng ký nhu cầu sử dụng đất, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tích hợp 4 nội dung liên quan đến đất đai vào quy hoạch tỉnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận đất đai, ngành TN và MT, các địa phương tăng cường công khai minh bạch, rộng rãi thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quỹ đất tỉnh có thể cung ứng cho người dân. Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính về đất đai, yêu cầu cán bộ phụ trách giải quyết thủ tục về đất đai phải nắm vững tất cả các thủ tục hướng dẫn khách hàng, tránh để doanh nghiệp phải đi lại, bổ sung hồ sơ thủ tục nhiều lần. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các bộ phận chuyên môn, công chức, viên chức có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, chậm giải quyết các thủ tục làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đối với những cán bộ, viên chức có dư luận là gây khó khăn, sách nhiễu, yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính thì phải thay đổi vị trí công tác; nếu tái phạm thì kiên quyết xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, Sở TN và MT và một số địa phương đã nâng cao trách nhiệm, chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý vi phạm về đất đai của các cấp chính quyền và cán bộ chuyên ngành; đẩy mạnh thực hiện theo Nghị quyết 17 và Kết luận 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường quản lý, xử lý vi phạm đất đai. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý các trường hợp vướng mắc lớn trong sử dụng đất đai đã tồn đọng trong nhiều năm liền. Đáng chú ý là việc xử lý 43 dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, 30 trường hợp thuê đất nhưng không triển khai đầu tư, ngừng hoạt động, còn nợ tiền thuê đất đã được tháo gỡ, giải quyết. Một số trường hợp đã hoàn tất xử lý, thu hồi đất đúng quy định, tạo nguồn chuyển đổi mục đích, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Đỗ Trung Kiên cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm đất đai. Đây là bước tiến mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai, vì trước đây nội dung này chỉ được lồng ghép trong các nghị quyết về kinh tế - xã hội. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy: Chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác xử lý vi phạm đất đai của huyện là tại tất cả các xã, thị trấn đều thành lập tổ kiểm tra do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng đoàn thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đất đai ngay khi mới phát sinh. Các tổ kiểm tra thường xuyên báo cáo một tuần 2 lần; hàng tuần Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp báo cáo bằng văn bản về Ban Thường vụ Huyện ủy. Trong năm 2020, những đơn vị nào chậm báo cáo đều bị nhắc nhở, khiển trách trong kỳ họp giao ban tháng. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm, trong năm 2020 huyện Giao Thủy đã kịp thời phát hiện 3 trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai và tiến hành xử lý ngay. Huyện cũng thực hiện luân chuyển cán bộ địa chính địa bàn ở 9 xã, thị trấn nhằm khắc phục tình trạng cán bộ địa chính nể nang người quen giải quyết vấn đề vi phạm không triệt để. Qua đó, huyện còn phát hiện một số tồn tại, hạn chế các cán bộ địa chính trước đây không thực hiện, chưa phát hiện sai phạm. Trên cơ sở đó kịp thời chấn chỉnh, củng cố, bồi dưỡng nâng cao trình độ, trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, đồng thời giúp thanh lọc, phát hiện các trường hợp cố tình làm bừa, vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm về đất đai.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy