Xuất phát từ ý tưởng sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn và truyền tải thông điệp tiêu dùng an toàn tới người dân, 50 bạn trẻ ở các vùng quê trong tỉnh đã khởi nghiệp triển khai tổ chức “Phiên chợ Xanh phố Dệt” vào ngày chủ nhật tuần thứ 2 mỗi tháng. Địa điểm tổ chức luân phiên tại một số công viên, khu sinh thái trên địa bàn. Trải qua 5 phiên chợ, với sự tham gia của 50 gian hàng nông sản, người bán, người mua tại phiên chợ Xanh phố Dệt đã nhanh chóng gắn kết bởi sự đồng điệu giữa cái “tâm” của người sản xuất gửi gắm trong từng sản phẩm và nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Anh Trần Văn Khoa (thứ 3 từ phải sang) chủ trang trại An Nhiên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) trao đổi với khách hàng về sản phẩm của trang trại. |
Mấy tháng nay cứ đến chủ nhật tuần thứ 2 trong tháng, chị Hà Thị Ly, xóm 3 Mỹ Trọng, phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) lại mong ngóng đi chơi, mua sắm tại phiên chợ Xanh phố Dệt. Tại đây có đủ các loại nông sản, thực phẩm, gia vị, đồ gia dụng, có thể trực tiếp gặp gỡ trao đổi với nhà sản xuất về quy trình, nguyên liệu làm ra sản phẩm nên chị rất yên tâm với sản phẩm mình lựa chọn. Chị Ly cho biết: Tại phiên chợ Xanh phố Dệt tổ chức tháng 1 vừa qua, tôi thực sự bị chinh phục bởi các sản phẩm cá trắm đen nướng, ruốc cá trắm đen của nông trại An Nhiên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); bột củ sen của cơ sở sản xuất Đinh Xuân, xã Minh Thuận (Vụ Bản), giấm mơ trà xanh của cơ sở sản xuất giấm Cô Tâm, làng Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản)… Tất cả đều là sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn bác Trần Văn Thành ở khu phố 3, đường Trần Nhân Tông lại rất thích thú với các sản phẩm đồ dùng làm từ cói, bèo tây như: dép đi trong nhà, làn, túi xách, đệm, thảm trải nền, giỏ cói (trang trí, trồng cây, đựng đồ)… của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ Trung Hiếu, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) sản xuất. Bác Thành bộc bạch: Sản phẩm làm từ cói vốn thân thiện với môi trường nhưng từ trước tới nay chỉ xuất khẩu, nhiều người muốn mua để dùng nhưng không được thỏa mãn nhu cầu. Tôi rất vui khi thấy sản phẩm từ cói được bày bán tại phiên chợ Xanh phố Dệt. Qua trao đổi với nhà sản xuất tôi thấy quan điểm cung ứng sản phẩm tốt phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước đã được quan tâm. Tôi đã đặt hàng một số sản phẩm để trang trí cho không gian riêng của gia đình mình. Ngoài sản phẩm thân thiện, đến phiên chợ Xanh phố Dệt, người tiêu dùng còn cảm nhận được không gian gần gũi, ấm áp từ phong cách giao tiếp, giới thiệu sản phẩm của người bán hàng; việc bài trí kệ hàng, sử dụng tối đa nguyên liệu bằng tre nứa, hạn chế sử dụng tối đa chất liệu nhựa, sắt, inox. Túi đựng sản phẩm cho khách hàng làm từ giấy và đồ tái chế. Ban tổ chức cũng đã khuyến cáo người dân không mang túi nilon khi đến mua sắm tại chợ. Đặc biệt phiên chợ giáp Tết Nguyên đán còn có một vài gian hàng viết thư pháp, nặn tò he và thực hành tái chế đồ vật cũ hỏng, tô màu, vẽ tranh trên các chất liệu như giấy, gỗ, sỏi… gợi nhớ hình ảnh phiên chợ Tết xưa cho cả người lớn và trẻ con trải nghiệm. Cảm nhận của khách hàng về phiên chợ Xanh phố Dệt cũng chính là nét khác biệt riêng có của phiên chợ so với những mô hình chợ truyền thống trên địa bàn. Ở đây không chỉ bán hàng hóa mà còn đan xen tổ chức nhiều hoạt động như giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cách thức chọn mua hay bảo quản rau, củ, quả; hội thảo với các chuyên đề về kỹ năng bán hàng, buôn bán, trồng rau an toàn, đạt chuẩn các giấy phép về an toàn thực phẩm… Đặc biệt, người tiêu dùng còn được giới thiệu quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, cách bảo quản… Người bán hàng ở đây hầu hết đều trực tiếp sản xuất, hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm mình bán, nên rất nhiệt tình tư vấn, giải đáp thỏa đáng mọi thắc mắc và tạo được ấn tượng với khách hàng ngay từ những giao dịch đầu tiên. Vừa giải thích, vừa lắng nghe góp ý, phản ánh của người tiêu dùng, mỗi phiên chợ qua đi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại có thêm kinh nghiệm để từng bước cải tiến sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm cũng như lợi thế cạnh tranh hàng hoá. Chị Đoàn Thi Hoa, Trưởng Ban tổ chức phiên chợ Xanh phố Dệt cho biết: Phiên chợ Xanh phố Dệt được tổ chức với mục đích kết nối người tiêu dùng với các cơ sở sản xuất theo hướng hữu cơ để khắc phục tình trạng nhiều cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt chất lượng nhưng không được người tiêu dùng biết hoặc chưa tạo được lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Do đó, qua việc giới thiệu sản phẩm phiên chợ Xanh phố Dệt vừa nâng cao nhận thức của người dân về việc chọn lựa sản phẩm an toàn và có lợi cho sức khỏe. Qua một vài phiên chợ, tín hiệu bước đầu rất đáng mừng không chỉ bởi người đến chợ đông dần lên. Tại phiên chợ, người sản xuất vừa trải nghiệm, nâng cao kỹ năng tiếp thị, bán hàng, vừa trực tiếp nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng để điều chỉnh sản xuất sản phẩm phù hợp.
Từ những thành công bước đầu thời gian tới, Ban tổ chức phiên chợ Xanh phố Dệt tiếp tục khuyến khích các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục sáng tạo, đổi mới cách tiếp cận với người tiêu dùng tại các phiên chợ. Ban tổ chức phiên chợ đang vận động các thành viên nghiên cứu tổ chức cho người tiêu dùng tham gia dịch vụ du lịch trải nghiệm cùng thực hành sản xuất. Để làm được điều này, Ban tổ chức phiên chợ rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho các cơ sở thành viên tham gia vào các chương trình, dự án nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp của địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương