Đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản sau Tết

08:02, 22/02/2021

Thông thường những ngày sau Tết, nhu cầu tiêu thụ hải sản tươi sống thường tăng cao. Bởi vậy, ngay từ mùng 2 Tết, phần lớn các cửa hàng bán thủy hải sản đã hoạt động trở lại. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hàng hóa thủy sản sau Tết, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Đóng gói sản phẩm sứa ăn liền của Công ty TNHH Vạn Hoa, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Đóng gói sản phẩm sứa ăn liền của Công ty TNHH Vạn Hoa, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Sở NN và PTNT yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSTP. Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn. Tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều như tôm, cá và các sản phẩm từ thủy sản ăn liền, thủy sản khô, nước mắm, mắm tôm…; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đơn vị tổ chức tiếp nhận, xử lý và thông tin kịp thời các sự cố mất ATVSTP xảy ra trên địa bàn; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và sản phẩm thủy sản không đảm bảo an toàn. Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các Chi cục: Thủy sản, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chăn nuôi - thú y tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm, kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm, yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thanh tra Sở NN và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, thu thập thông tin, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP; phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các đợt truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản kinh doanh tôm thực hiện nghiêm túc những quy định của Nhà nước về đảm bảo chất lượng, ATVSTP thủy sản. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tập trung giám sát các cơ sở cung ứng thực phẩm chính cho các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, trường học và các vùng đăng ký sản xuất thủy sản an toàn. Bên cạnh sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn, vì sức khỏe của bản thân cũng như của cả xã hội. Người nuôi thủy sản nâng cao ý thức trách nhiệm đảm bảo về chất lượng ATVSTP trong tất cả các khâu sản xuất giống nuôi thương phẩm, thu hoạch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thủy sản thực hiện nghiêm túc quá trình chế biến, đóng gói, bảo quản hàng hóa. Sở Y tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch bệnh COVID-19. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, nhà hàng, trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống,… Có phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về điều kiện đảm bảo ATVSTP để cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trên thị trường tiêu thụ thực phẩm nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng rất nhộn nhịp, đa dạng các chủng loại, mẫu mã cũng như chất lượng, nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Vì vậy, ngoài việc thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái, cảnh giác với các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm thủy sản chế biến không có bao bì, nhãn mác. Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tươi ngon bán tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc. Chị Phạm Thị Hằng (thành phố Nam Định) cho biết: “Để đảm bảo ATVSTP, tôi luôn phải đặt mua nước mắm, tôm, cá... của người quen từ trước Tết; không mua, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm thực phẩm ở các cơ sở sản xuất không bảo đảm vệ sinh, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…”. Chị Nguyễn Thị Cúc, đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) bán bún cá phục vụ khách hàng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cho biết: “Sau những ngày Tết bún cá là món ăn được nhiều người yêu thích. Tôi luôn chọn mua cá tươi sống từ các cơ sở uy tín, đảm bảo. Dù chỉ bán bún cá vào dịp này nhưng với tôi, ATVSTP luôn được đặt lên hàng đầu”. 

Đảm bảo ATVSTP nói chung và ATVSTP thủy sản nói riêng là vấn đề cần phải quan tâm không chỉ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mà phải là hoạt động thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giúp ngành thủy sản ngày càng phát triển, bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com