Chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi thủy sản xuân hè

07:02, 26/02/2021

Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 16 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 114 nghìn tấn, trong đó nuôi nước ngọt chiếm gần 9.800ha, sản lượng hơn 57 nghìn tấn. Các loại cá truyền thống như: trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi, mè… vẫn là những đối tượng nuôi chính tại các vùng nuôi nội đồng vì ít gặp rủi ro. Ngoài ra, các loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá diêu hồng, cá lóc bông… cũng được người dân đưa vào nuôi thả nhiều.

Nông dân xã Xuân Vinh (Xuân Trường) thả giống cá nước ngọt truyền thống.
Nông dân xã Xuân Vinh (Xuân Trường) thả giống cá nước ngọt truyền thống.

Thời điểm này, Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người nuôi thủy sản sớm hoàn thành việc cải tạo ao đầm, bãi triều, lồng bè, đảm bảo đúng kỹ thuật, dùng vôi bột để khử trùng, diệt khuẩn, sau đó phơi đáy ao, dẫn nước thau rửa ao để hạn chế dịch bệnh; tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu đối tượng, mật độ thả giống...; đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Chi cục phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi; tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn giống thủy sản nhập vào địa bàn tỉnh…; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, để vụ nuôi mới thành công, người nuôi trồng thủy sản nước ngọt cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi. Đối với ao nuôi, mặt ao phải thoáng, không có tán cây che và lá rụng xuống ao; ao nên gần nguồn nước sạch để dễ thay nước khi cần; bờ ao phải chắc chắn, tránh rò rỉ nước; độ sâu mực nước tốt nhất trong ao ương cá giống là 0,8-1,2m, ao nuôi cá thịt là 1,2-2m. Việc cải tạo ao nuôi là bước quan trọng chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ao phải được tháo cạn nước, dọn sạch rong rêu, cỏ, cây cối xung quanh ao, vét lớp bùn đáy ao, lấy nước vào ngâm rửa ao nhiều lần để loại bỏ mầm bệnh; khi lấy nước vào ao cần lọc qua lưới ngăn không cho cá tạp theo vào ao. Ở nhiều vùng nuôi thủy sản nội đồng thuộc các xã: Yên Hưng, Yên Hồng (Ý Yên); Mỹ Tiến, Mỹ Tân, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… người nuôi cũng đang tất bật hoàn thiện công tác tu sửa, chuẩn bị ao nuôi. Đến thời điểm cuối tháng 2, toàn tỉnh đã có trên 70% diện tích nuôi nước ngọt sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới. Ông Phạm Văn Tính ở xã Yên Hồng (Ý Yên) có 4 ao nuôi cá nước ngọt truyền thống cho biết: “Để đảm bảo cho vụ nuôi mới đạt hiệu quả cao, tôi đã dùng máy bơm tát cạn toàn bộ 4 ao nuôi, nạo vét hết bùn rồi rắc vôi bột trong lòng ao và xung quanh bờ, sau đó phơi ao 30 ngày mới tháo nước vào. Nguồn nước được lấy từ sông vào ao qua lưới lọc để ngăn rong rêu, cá tạp... Đối với con giống, tôi chọn mua ở các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhờ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ nuôi mới mà nhiều năm nay cá nuôi của gia đình luôn phát triển tốt, không mắc bệnh, cho nguồn thu ổn định. Xác định chăn nuôi là phải an toàn về dịch bệnh thì mới có hiệu quả kinh tế cao nên ông Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Trực Ninh đã lên tận Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) để mua con giống. Ông Tuấn chia sẻ: Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi thường mua con giống của những thương lái đi bán rong; cá không bảo đảm chất lượng, hay mắc bệnh và chết. Vì vậy, tôi đã lựa chọn mua cá giống ở Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh để bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho cá nên rất yên tâm trong quá trình nuôi.

Để nuôi thủy sản nói chung và nuôi thủy sản nước ngọt nói riêng đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu giống mới, giảm thiểu dịch bệnh, tiêu hao thức ăn ít, lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Không cho các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất, các đàn cá bố mẹ không đảm bảo chất lượng sản xuất giống để đảm bảo chất lượng nguồn giống. Tăng cường công tác quản lý từ con giống, thức ăn, vật tư, công tác cảnh báo môi trường, quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống áp dụng công nghệ sản xuất giống khỏe mạnh, chuyển giao khoa học công nghệ đối với sản xuất giống các đối tượng có giá trị kinh tế cao nhằm chủ động con giống, đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư theo hướng vừa xây dựng mô hình vừa tập huấn đào tạo và thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người nuôi. Tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Cùng với đó Sở NN và PTNT có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ sản xuất thức ăn chất lượng, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý ao và cải tạo môi trường dùng trong nuôi thủy sản.

Với việc chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi trồng thủy sản mới, hy vọng bà con các địa phương sẽ có thêm vụ nuôi bội thu./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



Hải sản: Haisantrungnam.vn Sài Gòn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com