Ngay sau khi thông tin các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh xuất hiện ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, số lượng ca bệnh được phát hiện tăng rất nhanh, nguy cơ lây lan trong cộng đồng khá phức tạp; trên địa bàn tỉnh cũng có 3 trường hợp nghi nhiễm, Chính phủ lập tức chỉ đạo triển khai rốt ráo các biện pháp, có phương án ứng phó với dịch, cộng đồng đã nhanh chóng chuyển trạng thái. Tuy nhiên so với lần trước, lần này người dân đã bình tĩnh, chủ động tái khởi động phòng, chống dịch.
Người dân mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm tại đại lý Nam Sơn (thành phố Nam Định). |
Các ngành chức năng đã có thông báo điều chỉnh, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị và người dân tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Dịch tái xuất hiện đúng thời điểm cận Tết Nguyên đán, Sở Công Thương sẵn sàng các phương án chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho người dân theo các kịch bản khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn phòng, chống dịch cũng như nhắc nhở cán bộ, nhân viên nghiêm túc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn dịch bệnh. Dọc các tuyến phố, hầu hết các cửa hàng đều chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách hàng đến mua sắm. Không còn quá hoang mang như những ngày đầu dịch xuất hiện, thời điểm này không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, đồ gia dụng; tuy nhiên những vật phẩm thiết yếu phòng dịch được người dân chuẩn bị khá kỹ và sớm. Chị Trần Thuý Hằng, kinh doanh hàng tạp hóa trên phố Trần Huy Liệu, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) bổ sung dung dịch khử khuẩn và khẩu trang y tế để phục vụ khách hàng đến mua sắm. Các siêu thị, trung tâm mua sắm, bố trí nhân viên khử khuẩn quầy, kệ, không gian mua sắm và nhắc người tiêu dùng đeo khẩu trang trước khi qua cửa kiểm soát an ninh. Tại chợ đầu mối Mỹ Tho (thành phố Nam Định) hầu hết mọi người có mặt ở chợ từ tiểu thương đến khách hàng đều tự giác đeo khẩu trang y tế, khác hẳn trong lần dịch trước. Chị Trần Thị Nga, bán hàng đồ khô cho biết: Ngay khi biết được thông tin về dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng tiểu thương đã chủ động đeo khẩu trang khi bán hàng, đồng thời nhắc nhở khách hàng cũng đeo khẩu trang để tự bảo vệ bản thân mình, để lực lượng phòng chống dịch không phải đi kiểm tra, nhắc nhở, dành thời gian, công sức cho những việc khác quan trọng hơn. Các hộ gia đình, không mấy ai vội vã tích trữ lương thực như lần dịch đầu tiên vào năm 2020. Tất cả đều bình tĩnh kiểm đếm lại trong gia đình thứ gì còn, thứ gì hết để mua bổ sung cho thật yên tâm; kế hoạch du xuân, thăm quê cũng được cân nhắc lại. Nhiều hộ gia đình ngay lập tức chuẩn bị các phương án chống dịch từ thay đổi thói quen sinh hoạt, việc ăn sáng ngoài hàng chuyển thành bữa sáng trong gia đình. Cơ cấu bữa ăn cũng được chuẩn bị theo hướng tăng cường chất dinh dưỡng, vitamin và rau xanh. Các gia đình có người già, trẻ nhỏ còn bổ sung đèn xông tinh dầu hoặc đốt trực tiếp bồ kết, lá sả, vỏ chanh, quýt cho sạch không khí. Bà Lê Thị Oanh, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) cho biết: Dịch trở lại không ai mong muốn, nhưng ít nhiều mình đã có kinh nghiệm phòng chống, không phải lúng túng, hoang mang như đợt đầu nữa. Lần này tôi đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm khô như gạo, miến, mì, đậu đỗ, gia vị, mắm muối, đường sữa… đủ dùng cho gia đình trong vòng một tuần đến nửa tháng; rau xanh, hoa quả thì luân phiên 2 ngày một lần; các loại thuốc, vật tư y tế thiết yếu (khẩu trang, nước sát khuẩn) đều đã dự trữ sẵn. Điều quan trọng nhất là gia đình chúng tôi đã thống nhất là sẽ ăn uống tại nhà, hạn chế tiếp xúc, không đến nơi có đông người tập trung, không tụ tập bạn bè và đảm bảo việc vệ sinh phòng dịch cho mình và cho mọi người. Hơn nữa qua 2 lần dịch trước, chúng tôi đã rất yên tâm, tin tưởng vào các phương án phòng chống dịch của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân nên trong lúc khó khăn cách tốt nhất là luôn chuẩn bị sẵn tinh thần tuân thủ theo các chỉ lệnh chính quyền và cơ quan chuyên môn.
Rõ ràng với những kinh nghiệm từ đợt dịch đầu năm đã được “tái khởi động” giúp cuộc sống của người dân bớt xáo trộn khi dịch tái phát. Các ngành chức năng chuẩn bị tốt điều kiện về y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm trong phòng chống dịch. Trong đó Sở Công Thương rà soát khả năng cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất trong tỉnh đối với các vật tư phòng dịch; theo dõi diễn biến cung cầu; khảo sát, đánh giá thực trạng giá cả thị trường cũng như lên kế hoạch, dự kiến nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa dịch để chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ. Theo đó, hệ thống Siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; Siêu thị Co.opMart Nam Định đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường. Các cơ sở cung ứng hàng hóa đầu mối và các chợ lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu bảo đảm lượng hàng hóa, giá bán ổn định. Đến thời điểm hiện tại, 35 siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn đã đảm bảo số lượng hàng hóa dự trữ gồm: 2.181 tấn gạo; 175 tấn thịt lợn; 108 nghìn quả trứng; 265 tấn thủy sản; 119 tấn rau củ; 663.120 gói mỳ tôm; 300 tấn muối ăn; 570.350 lít dầu ăn; 171,756 lít nước đóng chai; 220 nghìn hộp khẩu trang y tế; 2.500 lít nước sát khuẩn và trên 30 nghìn cuộn giấy vệ sinh. Theo ước tính phương án xấu nhất khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh ta với khoảng 500 nghìn người phải cách ly, lượng lương thực, thực phẩm cần dùng tối thiểu trong 14 ngày là 420 tấn gạo; 31,5 tấn thịt lợn, 35 tấn thịt gà; 350 nghìn quả trứng… Trong trường hợp trên địa bàn tỉnh phát sinh dịch bệnh cần cách ly diện rộng, Sở Công Thương đã có phương án kết nối và phân phối hàng hóa đến các địa bàn trọng điểm; phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân khu vực cách ly. Đồng thời chủ động giám sát chặt chẽ việc bán hàng nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá trục lợi người tiêu dùng. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại trùng với dịp Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị hàng hóa nhiều hơn so với mức tiêu dùng bình thường. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm không mua hàng tích trữ gây lãng phí và ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương