Năm 2021, sản xuất chăn nuôi của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu; thị trường không ổn định; các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học vẫn chiếm đa số; nhiều người chăn nuôi chưa nhận thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tiêm phòng vắc-xin. Vì vậy, các sở, ngành chức năng và các địa phương đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.
Kiểm tra bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò của hộ chăn nuôi xã Hồng Quang (Nam Trực). |
Ngày 7-1-2021, đàn bò gồm 12 con bò và 4 con bê của 2 hộ ông Đặng Văn Thiếu, xóm Thị 9 và Phan Văn Khánh, xóm Dứa, xã Hồng Quang (Nam Trực) có hiện tượng nổi u cục ở da đầu, cổ, yếm, giảm ăn, nhiều dịch mũi, khó thở... Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Ngày 8-1-2021, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 202/CĐ-XN kết luận 2/2 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút gây bệnh viêm da nổi cục. Đây là trường hợp đầu tiên phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh ta… Tiếp đó ngày 8-1-2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ý Yên báo cáo đàn vịt 30 ngày tuổi của hộ ông Nguyễn Đắc Cường, thôn Xuất Cốc Hậu, xã Yên Khánh có hiện tượng ốm, bỏ ăn, tiêu chảy phân trắng xanh, phù đầu, có triệu chứng thần kinh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm. Theo khai báo của chủ hộ, đàn vịt chưa tiêm phòng vắc-xin cúm và có biểu hiện bệnh từ ngày 1-1-2021, gia đình tự mua thuốc để điều trị. Đến ngày 8-1-2021, số lượng vịt ốm khoảng 120 con, số vịt chết là 50 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Ngày 9-1-2021, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 235/CĐ-XN kết luận 3/3 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm gia cầm A/H5N6… Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguyên nhân xảy ra dịch cúm gia cầm là do thời tiết chuyển lạnh, xuất hiện rét đậm, rét hại thuận lợi cho vi-rút cúm phát triển, gây bệnh; người dân chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh; chưa chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng chủng loại vắc-xin cúm cho gia cầm. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện chưa rõ nguyên nhân phát sinh một số ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò. Tuy nhiên, về dịch tễ, đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do việc vận chuyển trâu, bò từ các địa phương khác mang mầm bệnh vào tỉnh. Cụ thể, ổ dịch tại xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) xảy ra trên những con bò thuộc dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” năm 2020 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hưng triển khai. Bò được nhập về từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào các ngày 27-12 và 31-12-2020. Bên cạnh đó, một số yếu tố tạo điều kiện cho dịch bệnh xuất hiện như có nhiều hộ buôn bán, giết mổ trâu, bò; người dân chưa thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh; chưa thường xuyên diệt côn trùng, ve, ruồi, muỗi để loại bỏ tác nhân truyền lây bệnh.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4-9-2020 về phòng, chống bệnh lở mồm, long móng trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2020-2025; Công văn số 954/UBND-VP3 ngày 18-11-2020 về tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 20-1-2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở GSGC… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tại các ổ dịch Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện yêu cầu các hộ có dịch thực hiện nuôi nhốt, cách ly triệt để đàn bò mắc bệnh, không cho ra bãi chăn thả chung, không bán chạy, giết mổ bò bị bệnh. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, tiến hành thu gom và xử lý chất thải bằng cách ủ với vôi bột hoặc chôn; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, lối đi lại; phun thuốc khử trùng và thuốc diệt côn trùng khu vực chuồng nuôi 1 lần/ngày, xóm có dịch phun 2 ngày/lần, các xóm chưa bị dịch 2 lần/tuần; rắc vôi bột trên các trục đường ra vào khu vực ổ dịch và khu vực chăn nuôi. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn bò. Đồng thời tổ chức tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật những con mắc bệnh nặng, chết, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh. Nhờ đó đến nay, các ổ dịch dịch đã cơ bản được khống chế, không phát sinh dịch mới. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, năm 2021 sản xuất chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, vì vậy để bảo đảm an toàn cho đàn GSGC, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật. Chủ động phát hiện sớm, tổ chức bao vây, khống chế không để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, bảo đảm an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe của nhân dân; từng bước xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn; xây dựng các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm để tạo thị trường đầu ra ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; ban hành quy định điều kiện chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi GSGC; chỉ đạo tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho GSGC theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh. Trong đó, từ tỉnh đến các địa phương phải rà soát, bổ sung, kiện toàn và tăng cường trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên xuống địa bàn để chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch động vật. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát cảnh báo dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ nuôi; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo dịch theo quy định. Rà soát, giao chỉ tiêu tiêm phòng bắt buộc về số lượng GSGC phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn; tổ chức triển khai, thực hiện tốt 2 đợt tiêm phòng vắc-xin chính vụ với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin và tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho số GSGC mới phát sinh để tạo miễn dịch khép kín đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán GSGC, khu vực giết mổ GSGC, nơi có ổ dịch cũ; xử lý tốt chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn với các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, con giống không đúng quy định, đặc biệt việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất, chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y...
Với việc triển khai thực hiện hiệu quả những biện pháp bảo đảm an toàn đàn vật nuôi sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu đạt giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 3-3,5% so với năm 2020; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 45% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Văn Đại