Để giữ ổn định thị trường trước, trong và sau Tết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (BCĐ 389/ĐP) đã yêu cầu các ngành thành viên tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, trọng điểm là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết và lễ hội đầu xuân nhằm phát hiện và xử lý những vi phạm gian lận thương mại.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát điều kiện chứng nhận hàng hóa nhập ngoại tại khu vực thành phố Nam Định. |
Theo nhận định của cơ quan chức năng, năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên nhiều gian thương lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận thương mại. Do đó, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp hơn. Thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi để đối phó như: trà trộn, cất giấu hàng lậu trên các phương tiện lớn, lẫn lộn giữa nhiều loại hàng hóa khác nhau, thủ đoạn liều lĩnh, manh động nhằm gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý của các lực lượng chức năng. Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, BCĐ 389/ĐP đã chủ động xây dựng kế hoạch và đồng loạt triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính là: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý thông tin nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; xác định địa bàn, tuyến trọng điểm, dự kiến những tình huống vi phạm có thể phát sinh để xây dựng phương án đấu tranh, chủ động bố trí lực lượng, áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, phát hiện, bắt giữ, xử lý; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường (QLTT), Bộ đội Biên phòng, Công an…, chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng, hàng hoá vi phạm góp phần bình ổn thị trường; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã cụ thể hóa từng nhóm công việc, hàng hóa do ngành mình, địa phương quản lý để giữ ổn định thị trường; chủ động làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng như: Công an, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực kiểm tra các phương tiện hoạt động trên những tuyến giao thông quan trọng, các điểm phát tán nguồn hàng và khu vực nông thôn. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại và các khu vực buôn bán khác trong nội địa… Đối với thời điểm trước và trong Tết, các ngành chức năng chú trọng kiểm tra, kiểm soát tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; xử lý, ngăn chặn triệt để việc kinh doanh, buôn bán, lưu thông hàng cấm như tiền giả, pháo nổ, đèn trời, thuốc nổ các loại… Thời điểm sau Tết Nguyên đán, tập trung vào việc ổn định thị trường tại các địa bàn có lễ hội đầu xuân, chú ý việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng ăn uống tại các điểm lễ hội, kinh doanh văn hóa phẩm, đồ chơi kích động bạo lực và việc tự ý tăng các loại phí dịch vụ, trông giữ phương tiện giao thông… Riêng lực lượng QLTT phải tập trung 100% quân số cho việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian cao điểm từ 15-11-2020 đến 15-3-2021, theo dõi thị trường 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Trong đó, đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, ổn định giá cả thị trường, nắm chắc diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu không để giá cả tăng đột biến bất thường. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát theo 5 yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường như nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và yêu cầu giám định chất lượng hàng hóa khi có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại. Đặc biệt trong thời gian này, Cục QLTT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn vi phạm lợi dụng thương mại điện tử. Ngay những ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc gian lận thương mại đáng chú ý như vụ việc buôn bán gần 100 dụng cụ hút thuốc lá điện tử và hương liệu các loại lưu thông bất hợp pháp trên thị trường; phát hiện 2,5 tấn vải và gần 500 chiếc quần nỉ trẻ em nhập lậu… Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng QLTT trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường và bùng phát phức tạp vào thời điểm lễ, tết thì các doanh nghiệp, người dân cần “chung sức” với lực lượng chức năng chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất kinh doanh chính đáng; quyền lợi người tiêu dùng vui tết đón xuân an toàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương