(Tiếp theo và hết)
Nam Định là đất đa nghề với rất nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng nên dư địa để thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỉnh ta có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và Chương trình OCOP trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, thì ngành chức năng và các địa phương và nhất là doanh nghiệp, HTX, người dân cần tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Giới thiệu sản phẩm gạo đặc sản của tỉnh tại điểm bán nông sản sạch (thành phố Nam Định). |
II. Tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức
Những kết quả mà Chương trình OCOP đạt được trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương. Qua 2 năm triển khai, tỉnh ta cũng rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chương trình, đó là: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng và các huyện, thành phố đã tập trung vào một số sản phẩm thế mạnh, sản phẩm chủ lực đã có thị trường tiêu thụ để xây dựng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân để có sự chủ động, tích cực tham gia, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, chủ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ dân tham gia chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng sản phẩm; thành lập nhóm Zalo để cung cấp thông tin nhanh, kịp thời cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai xây dựng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó là phát huy tốt vai trò của các chuỗi liên kết, doanh nghiệp và Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Đặc biệt tỉnh cũng xác định rõ 3 đối tượng chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm: Hộ cá thể tập trung vào sản phẩm đặc sản của vùng, miền; các HTX, tổ hợp tác tập trung vào nhóm sản phẩm liên quan đến đông đảo người dân và các doanh nghiệp tập trung vào nhóm sản phẩm phát triển theo liên kết chuỗi... Trên cơ sở đó ngành chức năng sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy thế mạnh của các chủ thể sản phẩm OCOP để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển nhanh, bền vững. Cuối cùng, việc lựa chọn đơn vị tư vấn, hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP phải là những đơn vị thực sự có tâm huyết, trách nhiệm, có đội ngũ cán bộ luôn nhiệt tình, năng nổ, chủ động bám sát cơ sở và có chuyên môn sâu để trực tiếp hướng dẫn, tư vấn bước đi, cách làm cho chủ thể để có được sản phẩm chất lượng và đáp ứng các tiêu chí OCOP.
Tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở huyện Hải Hậu, Ý Yên và thành phố Nam Định; số sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm vẫn chiếm đa số, ít sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch nông thôn... Việc phát triển sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới chưa nhiều. Tiến độ triển khai chương trình của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, kế hoạch đề ra; nhiều địa phương mới chủ yếu tập trung lựa chọn sản phẩm có sẵn, tiến hành xây dựng thương hiệu cho một vài chủ thể đơn lẻ, tính cộng đồng chưa cao để tham gia chương trình; chưa chú trọng phát triển các sản phẩm đặc sản, tiềm năng và là thế mạnh của địa phương để tạo ra sản phẩm chủ lực. Các cơ sở sản xuất cơ bản có quy mô nhỏ nên khả năng đầu tư cải tiến, nâng cấp sản phẩm còn hạn chế, nhất là sản phẩm chế biến. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng còn hạn chế; chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng sản phẩm OCOP Nam Định. Sự vào cuộc, tham gia thực hiện chương trình ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn thiếu chủ động, không linh hoạt, chưa có phương án khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới…
Nhận diện những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ tác động tiêu cực đến quá trình triển khai Chương trình OCOP trong thời gian tới. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Các huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho từng năm và cả giai đoạn để chương trình phải đi vào thực chất, bảo đảm hiệu quả. Chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp xã trong việc khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ thương mại phục vụ phát triển sản phẩm OCOP. Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thì phải phát huy cao độ vai trò của cấp xã, đây là lực lượng không thể thay thế trong thực hiện chương trình OCOP. Chính UBND cấp xã mới là người lựa chọn chính xác nhất sản phẩm thế mạnh của địa phương mình và hiểu rõ những điểm mạnh, yếu cần tác động hỗ trợ cụ thể, kịp thời cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, làm cơ sở để tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ việc hoàn thiện sản phẩm cũng như các yêu cầu khác như: môi trường, giải pháp nâng cao năng lực sản xuất cho các chủ thể sản phẩm OCOP... Các địa phương cần xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng phát triển sản xuất ở nông thôn, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP trên Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, Báo Nam Định, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website Chương trình OCOP của tỉnh; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp và điểm bán hàng OCOP trên cả nước... Đối với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ dân đã có sản phẩm OCOP cần chủ động rà soát và lựa chọn sản phẩm tiềm năng để cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng chương trình và đơn vị tư vấn để tiếp tục đánh giá nâng hạng các sản phẩm trong kỳ đánh giá, phân hạng tiếp theo của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát, quản trị chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đã được công nhận. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là sản phẩm chủ lực của các làng nghề và đặc sản truyền thống của các địa phương; khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng máy móc, trang thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm OCOP; xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; phân công cán bộ theo dõi, quản lý công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương.
Tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức đặt ra sẽ giúp Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục tạo ra những sản phẩm tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương phát triển, tạo nguồn lực tại chỗ để xây dựng thành công tỉnh NTM nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Văn Đại
[links()]