Qua 2 năm triển khai chương trình OCOP - Những vấn đề cần quan tâm (kỳ 1)

08:01, 21/01/2021

Mặc dù mới triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được 2 năm, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng, các địa phương và nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng đáng ghi nhận và là 1 trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định được ưu thế, thương hiệu trong xu thế lựa chọn tiêu dùng của thị trường, người dân. Tuy nhiên để tiếp tục duy trì, phát triển toàn diện Chương trình OCOP tạo nguồn lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới, ngành chức năng, các địa phương và nhất là người dân cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn OCOP tại xã Yên Lương (Ý Yên).  Bài và ảnh: Văn Đại
Sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn OCOP tại xã Yên Lương (Ý Yên). 

I. Những kết quả nổi trội

Là địa phương không có nhiều tiềm lực song tỉnh ta lại là 1 trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 và Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh An Giang lựa chọn Nam Định để tìm hiểu, học tập cách làm và những kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP. Đây là một minh chứng rõ nét ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong 2 năm thực hiện Chương trình OCOP. Để có được kết quả đó, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu trong việc xác định mục tiêu, lựa chọn hướng đi, cách làm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 5-6-2019 về triển khai thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Nam Định và hàng chục văn bản chỉ đạo, đôn đốc; quy định mức chi hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2020. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh đã chủ động lồng ghép nội dung Chương trình OCOP vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành mình. Các huyện, thành phố đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của mình để cải tiến, nâng cấp chất lượng theo tiêu chí OCOP. UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn; thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân triển khai thực hiện, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình một cách hiệu quả. Tiêu biểu như huyện Ý Yên xây dựng cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng cho một cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP; huyện Hải Hậu hỗ trợ kinh phí để xây dựng video quảng bá cho sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chương trình OCOP theo kế hoạch đề ra. Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở NN và PTNT đã tổ chức 3 hội nghị chuyên đề, mời các cố vấn, chuyên gia Chương trình OCOP Trung ương về tư vấn, giới thiệu, đánh giá, quán triệt tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và xây dựng NTM nói riêng cho lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Năm 2020, Sở NN và PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho 80 chủ thể sản phẩm OCOP cải tiến hoàn thiện trên 100 sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã Qrcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm OCOP trực tuyến và khuyến khích phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố… Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định và một số cơ quan báo chí Trung ương thường xuyên tuyên truyền các nội dung Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP; trong đó nhấn mạnh về lợi ích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, nhất là vai trò của chương trình này đối với tiêu chí phát triển sản xuất, tăng thu nhập ở địa phương, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời in ấn tài liệu, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia làm Chương trình OCOP; phát sổ tay thực hiện chương trình, cẩm nang sản phẩm OCOP cho các cơ sở sản xuất, người dân tại các thôn, xóm, tổ dân phố của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. 

Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên qua 2 năm, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi trội, khá toàn diện. Toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 118 sản phẩm hạng 3 sao. Riêng trong năm 2020, qua 2 đợt bình xét, đánh giá, phân hạng, toàn tỉnh đã có 110 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 và 4 sao, trong đó có 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Các chủ thể sản phẩm OCOP hiện có 80 đơn vị, trong đó có 35 doanh nghiệp (chiếm 4%); 18 HTX (chiếm 23%) và 27 hộ sản xuất, kinh doanh (chiếm 33%). Về các nhóm sản phẩm OCOP có 135 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, đồ uống; 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ; 2 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn… Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho rằng: Không chỉ tăng về số lượng, chủng loại sản phẩm OCOP, lĩnh vực, địa bàn mà đáng mừng hơn là Chương trình OCOP của tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố tập trung, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình trong phạm vi quản lý. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, hộ nông dân có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là lợi ích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình trong thời điểm hiện nay, do đó đã tích cực, chủ động tham gia.

(Còn nữa)

Bài và ảnh:
Văn Đại



Công ty yến sào Khánh Hòa

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com