Sản xuất nông nghiệp năm 2020 của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 phát sinh và diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt các đối tượng sâu bệnh phát sinh với mật độ rất cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Trong tháng 4 có nhiều ngày nhiệt độ không khí xuống thấp bất thường, ảnh hưởng đến quá trình phân hóa đòng của lúa xuân. Bão số 7 tuy không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh nhưng đã gây ra mưa lớn làm ảnh hưởng đến lúa mùa đang thu hoạch và cây trồng vụ đông mới gieo trồng…
Sản phẩm rau, củ, quả sạch sản xuất hữu cơ của các địa phương được nhiều khách hàng lựa chọn. |
Trong điều kiện đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các ngành, sự nỗ lực cố gắng của các địa phương và nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, đạt kết quả tốt. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,1% so với năm 2019, góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh và duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP năm 2020 ước tăng 6,97%, là 1 trong 16 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 5%. Có được kết quả đó, ngành Nông nghiệp đã chủ động lường trước những khó khăn, bám sát diễn biến thời tiết, thị trường và yêu cầu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới để định hướng sản xuất theo hướng hàng hóa giá trị cao, chú trọng chất lượng và giá trị thu nhập thay cho số lượng; chủ động xây dựng các giải pháp kỹ thuật thâm canh, phát triển nhanh các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là tổ chức tốt sản xuất vụ xuân, vụ mùa gắn với vụ đông hàng hóa bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa, nhất là các cánh đồng liên kết chuỗi giá trị, gắn với việc phát triển các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương. Tập trung hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 25-2 và lúa mùa trước 20-7 bởi qua tổng kết nhiều năm thì đây là khung thời vụ tốt nhất để lúa trỗ bông an toàn. Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng cả năm của tỉnh là 177.722ha, trong đó lúa xuân, lúa mùa 145.376ha. Cùng với đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, các biện pháp chăm sóc hợp lý trong quá trình sinh trưởng của lúa; quyết liệt trong phòng trừ rầy lưng trắng đầu vụ; linh hoạt trong chỉ đạo rút nước lộ ruộng... nên cả 2 vụ xuân, vụ mùa đều được mùa. Các mô hình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai và đạt kết quả khá, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân như: Mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hạt giống lúa lai F1 của Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Xuân Trường; mô hình sản xuất gạo sạch của Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình liên kết và chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH Minh Dương; mô hình sản xuất rau an toàn của Công ty TNHH Rau sạch Ngọc Anh, HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Cường… Nhiều mô hình chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả bước đầu cho hiệu quả rất tốt.
Phát huy những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp năm 2021 đang được dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thời tiết diễn biến khá phức tạp, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình ở mức thấp (năm lạnh); các đợt rét đậm, rét hại sẽ tập trung vào cuối tháng 12 đến hết tháng 2-2021, đúng vào cao điểm gieo cấy lúa xuân của tỉnh. Thiếu nước và khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu. Các đối tượng dịch hại có xu hướng gây hại với mật độ cao, quy mô lớn và không tuân theo quy luật trung bình nhiều năm, nhất là bệnh lùn sọc đen sau nhiều năm đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Để chủ động ứng phó với những khó khăn của thời tiết, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chiến dịch làm thủy lợi nội đồng và công tác phòng, chống hạn, mặn. Tập trung tu bổ, sửa chữa các thiết bị máy móc, nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy. Bám sát diễn biến thời tiết, thủy văn, lịch xả nước các hồ thủy điện và lịch gieo cấy của huyện, thành phố để xây dựng sớm phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất linh hoạt, chủ động. Tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, thời vụ; bố trí hợp lý cơ cấu giống theo hướng sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng, giá trị, hiệu quả cao và có thị trường tiêu thụ lớn. Bố trí cơ cấu lúa lai khoảng 15% diện tích, lúa thuần 85% diện tích (trong đó nhóm các giống lúa chất lượng chiếm trên 75% cơ cấu). Để đảm bảo an toàn sản xuất và từ xu thế diễn biến thời tiết, đối với vụ xuân tỉnh tập trung gieo mạ xung quanh tiết lập xuân với phương thức mạ nền là chủ yếu. Với 99% cơ cấu lúa xuân là trà xuân muộn nên các địa phương tập trung hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước 25-2-2021. Cùng với tập trung gieo cấy lúa xuân, ngành Nông nghiệp chú trọng đánh giá, tổng kết các mô hình chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả để nhân rộng; trong đó tập trung đánh giá hiệu quả kinh tế và tính bền vững các mô hình so với trước chuyển đổi; xây dựng hướng dẫn thực hiện các mô hình chuyển đổi; khoanh định các vùng chuyển đổi tập trung gắn với xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản... Tiếp tục nhân rộng các mô hình tái cơ cấu trồng trọt hiệu quả; lựa chọn sản phẩm trồng trọt chủ lực và có tiềm năng của địa phương để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, từng bước đưa thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương. Tiếp tục phát triển các mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất hàng hóa tập trung và “Cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị”.
Đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất 2 mô hình; nhân rộng mô hình mạ khay máy cấy. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, nhất là về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý và sử dụng đất lúa; giám sát thực hiện các quy hoạch sản xuất… Tập trung nguồn kinh phí khuyến nông, nguồn kinh phí quản lý, sử dụng đất trồng lúa để xây dựng các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới, các mô hình chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa. Tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để tạo sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng có nhiều nội dung lớn, quan trọng và khó khăn cần có nguồn kinh phí để triển khai. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện và nhân rộng một số mô hình tái cơ cấu hiệu quả; đồng thời có chính sách đặc thù đối với các tỉnh nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ duy trì và bảo vệ quỹ đất trồng lúa góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, nông thôn với các địa phương, nhất là triển khai các gói ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; tăng cường liên kết với các địa phương trong việc thực hiện các mô hình tái cơ cấu. Bộ NN và PTNT quan tâm có cơ chế hỗ trợ triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác và tích tụ đất đai./.
Bài và ảnh: Văn Đại