Trong nắng vàng ấm áp của một buổi chiều cuối năm, chúng tôi đến thăm trang trại công nghệ cao của anh Mai Ngọc Chấn, xóm Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Những cành hoa ly, hoa hồng rực rỡ nhiều màu sắc như đang vươn mình chào đón xuân mới. Sau khi tìm hiểu, học tập và tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình nông nghiệp tiên tiến trong Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Thuận, Đồng Tháp… năm 2016, khi mới 24 tuổi, nông dân “9x” Mai Ngọc Chấn đã mạnh dạn vay vốn, thuê đất, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao rộng 1.000m2 có hệ thống quạt mát, camera tự động, trồng các loại rau, quả theo quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Nhờ tư duy mới và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đến nay, anh đã sở hữu trang trại quy mô 5.0002 nhà màng trồng dưa lưới, dưa chuột và các loại hoa theo công nghệ 4.0, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao… Trong đó, toàn bộ 15 nghìn gốc dưa lưới, dưa chuột được trồng trong bầu, sử dụng 100% giá thể trồng là xơ dừa và được cung cấp nước, phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển bằng bộ hẹn giờ tự động. Hệ thống được đặt chế độ tự động tưới 10 lần/ngày với thời gian mỗi lần tưới từ 3-4 phút. Nước và phân bón từ bể tập trung được bơm tới từng gốc cây qua đầu béc tưới với lượng chính xác đến từng giọt vừa đủ cho cây, vừa tiết kiệm nước, giúp cho cây sinh trưởng, phát triển nhanh, góp phần tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm “siêu sạch”, có mẫu mã đẹp hơn. Cách tưới này không tạo thành dòng giúp tránh hiện tượng xói mòn đất. Các công thức luân canh, xen canh “Đầu năm dưa chuột - Giữa năm dưa lưới - Cuối năm trồng hoa” được áp dụng thực hiện một cách bài bản cùng với ứng dụng công nghệ đã giúp “vườn cây không đất” của anh Chấn mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng.
Trình diễn mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái tại xã Trung Đông (Trực Ninh). |
Bắt nhịp kịp thời với tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh Ninh Văn Thuyên, xóm 11, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đã đầu tư thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho 1 mẫu ruộng nhà mình. Anh Thuyên cho biết: Các thông số lưu lượng, tốc độ phun, tọa độ… được lập trình bằng thuật toán thông minh và tự động lưu, người sử dụng chỉ cần bấm nút khởi động và lập trình bản đồ, diện tích phun trên điện thoại thông minh, sau đó chỉ việc theo dõi máy bay qua điện thoại di động thông minh, không cần phải trực tiếp điều khiển. Với dung tích bình chứa thuốc lên tới 10 lít, một lần sử dụng phun thuốc cho hơn 1ha cây trồng chỉ trong 7-10 phút tính cả thời gian pha thuốc, nhanh hơn 50 lần so với các phương pháp phun truyền thống và tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng/ha thuê nhân công phun thuốc. Ngoài ra, máy bay còn sử dụng hệ thống vòi phun ly tâm kết hợp lực gió đẩy xuống của thiết bị chắt nhỏ hạt dung dịch ở dạng micromet, phun chính xác tới từng centimet giúp thuốc BVTV bám đều lên 2 mặt lá giúp cây hấp thụ tốt, thuốc không kết thành hạt rơi xuống đất gây hại môi trường. “Kể từ khi áp dụng phun thuốc bằng máy bay không người lái, tôi nhận thấy lợi ích rõ rệt như giúp người sản xuất tiết kiệm và chủ động về thời gian, giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản, không còn nỗi lo phụ thuộc vào nhân công mỗi khi có dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, sử dụng công nghệ này không gây độc hại cho người sản xuất” - anh Thuyên cho biết thêm. Thành công từ mô hình của gia đình đã thuyết phục, hấp dẫn bà con. Từ đó, anh Thuyên còn phát triển kinh doanh dịch vụ phun thuốc BVTV thuê cho bà con trong huyện. Hiệu quả thấy rõ, “tiếng lành đồn xa” đến nay dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay của anh Thuyên rất “đắt” khách. Vừa có thu nhập, thỏa mãn được niềm đam mê công nghệ, anh Thuyên còn nhận được sự quý mến của bà con khi giúp họ giải quyết được khâu khó khăn, độc hại nhất trong canh tác nông nghiệp này.
Nổi tiếng với mô hình nuôi lợn bằng thảo dược, nghe nhạc trữ tình, hiện nay ông Nguyễn Văn Thục, xóm 4, xã Trực Thái (Trực Ninh) còn là một trong những người tiên phong của tỉnh trong việc sử dụng tem điện tử thông minh (QR code) truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của mình là thịt lợn thảo dược Hiền Thục, xúc xích Hiền Thục và ruốc Hiền Thục. Ông Thục cho biết: Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, tin tức về tình trạng bán tống bán tháo lợn bệnh khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, bối rối khi không thể phân biệt được đâu là thịt lợn khỏe và thịt lợn bệnh trên thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng thịt lợn không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường, thậm chí nhiều doanh nghiệp cung cấp thịt lợn chân chính còn bị các đối tượng xấu làm giả thương hiệu gây thiệt hại đến uy tín, doanh thu. “Từ năm 2018, tôi đã áp dụng tem điện tử gắn mã QR cho từng sản phẩm để thể hiện sự thiện chí, ý thức minh bạch đảm bảo về chất lượng hàng hóa của mình. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR để tra các thông tin của nhà sản xuất như: quy trình, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng sản phẩm… Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn trở thành kênh cung cấp thông tin giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng thực phẩm sau khi ra thị trường, giúp người tiêu dùng nâng cao ý thức tiêu dùng, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời đây cũng là hình thức quảng cáo, xây dựng thương hiệu thông minh cho doanh nghiệp” - ông Thục chia sẻ. Việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm của ông Nguyễn Văn Thục còn khẳng định ý thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong một diễn đàn liên quan đến phát triển ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: Các tiến bộ khoa học kỹ thuật của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa… Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trở thành những “nông dân 4.0”, xây dựng một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu… Nếu như trước đây, các mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao còn ít thì nay ở hầu hết các huyện, thành phố đều có những mô hình hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi khép kín, lắp đặt máng ăn, núm uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió… áp dụng các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi như “nuôi lợn tiết kiệm nước”, “sử dụng công nghệ men vi sinh”, “nuôi giun quế xử lý chất thải”, “máy tách phân”… bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Trong nuôi trồng thủy sản, các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 cũng được phổ biến rộng rãi hơn như: mô hình kiểm tra môi trường, nhiệt độ được tích hợp trên điện thoại di động thông minh để giám sát ao nuôi và điều khiển từ xa trong nuôi tôm ở Hải Hậu; mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính ở Giao Thủy, Hải Hậu; ứng dụng công nghệ vi sinh biofloc trong nuôi tôm ở Nghĩa Hưng… Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho 87 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc với 137 dòng sản phẩm phục vụ quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại điện tử. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình mới và hướng tới xuất khẩu nông sản công nghệ cao. Tập trung triển khai rộng rãi các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP, GlobalGAP, GMP… góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững, giá trị gia tăng.
Những mô hình “Vườn rau không đất”, “Trang trại tự động”, “Trồng hoa công nghệ cao”, “Nuôi tôm công nghệ”… là những thành công bước đầu của nông dân Nam Định khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản hàng hóa. Đây cũng là tiền đề căn bản để nông dân trong tỉnh, từng bước làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào đời sống, sản xuất hàng ngày để hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tương lai./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh