Những mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả ở Xuân Trường

08:01, 12/01/2021

Thời gian qua, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới ở Xuân Trường đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự gắn kết nông dân trong sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.

Đến HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến, chúng tôi được anh Mai Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX giới thiệu về dây chuyền sản xuất chế biến bánh đa nem, mì gạo. Phát huy lợi thế, kinh nghiệm của làng nghề truyền thống cùng với sự năng động, sáng tạo,  HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, chế biến các mặt hàng có giá trị kinh tế cao từ lúa gạo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, các thành viên HTX tự trồng 30 mẫu lúa, tự sấy gạo. Quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín, từ khâu xay bột, làm chín bánh bằng hệ thống nấu hơi, xếp lên phên đưa vào lò sấy theo phương pháp hút ẩm. Nhờ đó đã phát huy được hiệu quả, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục những hạn chế của việc sản xuất theo phương thức trước đây. Trung bình một tháng, HTX sản xuất được 120-150 tấn bánh đa nem, mì gạo. Ngoài chế biến nông sản, HTX còn sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề đa dạng như: Sản xuất máy làm đất, máy gặt, máy đập lúa, máy bơm, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy bóc, tách hạt, máy làm nấm, máy đóng bịch nấm, máy chế biến thực phẩm, máy sấy nông sản, máy cưa, máy phay, máy bào, các loại máy chế biến gỗ; sản xuất nồi hơi, buồng hấp khử trùng; sản xuất, gia công hàng cơ khí… Riêng máy sấy thóc gạo, thảo dược, 3 năm qua, HTX đã sản xuất, lắp đặt hàng trăm sản phẩm cho các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái. Thành lập năm 2018 trên cơ sở tăng cường sức mạnh liên kết của các thành viên và người lao động, đến nay, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến đã phát huy được nội lực, tiềm năng của từng thành viên, tạo điều kiện cho các thành viên chủ động trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; đồng thời tạo việc làm, dạy nghề cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề chế biến bánh đa nem, mì gạo đạt 4,5-6 triệu đồng/tháng; lao động làm nghề cơ khí đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn có 10 thành viên làm việc tại gara ô tô, sửa chữa, lắp đặt nội thất xe, thu nhập ổn định.

HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Xuân Hòa (Xuân Trường) cải tạo ao đầm nuôi thủy sản.
HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Xuân Hòa (Xuân Trường) cải tạo ao đầm nuôi thủy sản.

HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Xuân Hoà  thành lập theo Luật HTX năm 2012, lúc đầu có 18 thành viên với tổng diện tích 15ha, đến nay tăng lên 25 hộ thành viên, tổng diện tích 25ha. Các hộ thành viên HTX đều là những chủ đầm đã có kinh nghiệm nhiều năm về nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, trước đây, do các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, chưa có sự đoàn kết, thống nhất trong các dịch vụ đầu vào, đầu ra như lấy nước, mua con giống trôi nổi, do đó rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, xuất phát từ nhu cầu thực tế, các hộ thành viên đã thành lập HTX, gắn bó với nhau trong sản xuất, kinh doanh, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, thống nhất các điều kiện chung trong nuôi trồng thủy sản, do vậy thu nhập bình quân của hộ thành viên đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, HTX đã xây dựng được xưởng chế biến thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, kho lạnh, xưởng sấy khô, xưởng sơ chế cá cắt khúc cấp đông để tham gia chương trình OCOP và nhập cho hệ thống nhà hàng, siêu thị, cửa hàng kinh doanh hàng thủy sản tươi sống trong tỉnh và thành phố Hà Nội. Kết quả hàng năm, HTX đạt sản lượng khoảng 450 tấn cá lăng, cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép và 10 tấn cá tạp các loại, 9 tấn tôm thẻ chân trắng. Sản phẩm của HTX được công nhận nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, năm 2020, xưởng chế biến thức ăn nuôi trồng thuỷ sản của HTX đạt sản lượng đạt 65 tấn/tháng với nguyên liệu đầu vào tốt, sử dụng các loại khoáng chất, vitamin hợp lý, đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn nuôi tôm cá tại chỗ, tạo điều kiện cho các thành viên tăng năng suất, đưa ra thị trường sản phẩm tôm, cá ngon, sạch, không có bệnh, không nhiễm các chất cấm. Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: “Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, nhờ có sự đoàn kết trong nội bộ HTX, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường; phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường; thường xuyên học hỏi, tìm những giống cá, tôm có hiệu quả kinh tế cao, rủi ro thấp nhằm mang lại lợi ích cho các thành viên, HTX đã có được thành công bước đầu. Đặc biệt, trong  quá trình sản xuất, kinh doanh, Hội đồng quản trị HTX phải có tâm huyết, tầm nhìn chiến lược, mạnh dạn trong áp dụng khoa học kỹ thuật, học hỏi kỹ năng quản lý sản xuất, kinh doanh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng mô hình mới phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, có tính lan tỏa để mọi thành viên đồng tình thực hiện”.

Nhờ làm tốt công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chú trọng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các mô hình HTX kiểu mới ở Xuân Trường đã có những thay đổi mạnh mẽ, đột phá, khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com