Năm 2020, công tác cải cách hành chính của Sở Xây dựng được tăng cường, chỉ đạo triển khai tích cực đồng bộ trên các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, hiện đại hóa hành chính.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Xây dựng và tình hình thực tế về công tác cải cách hành chính ở địa phương, Sở Xây dựng đã thường xuyên chỉ đạo việc rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết nhằm đơn giản hóa; chủ động tham mưu, soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan. Sở Xây dựng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1959/QĐ-SXD ngày 10-8-2020 về việc chuẩn hóa 60 TTHC thuộc 8 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng và UBND cấp huyện, cấp xã trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về xây dựng. Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Quyết định số: 2482/QĐ-UBND ngày 9-10-2020 và 2507/QĐ-UBND ngày 13-10-2020 phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Trong đó có 45 TTHC được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng (gồm 13 TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh; 31 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng); 1 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; 12 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; 10 TTHC thuộc lĩnh vực thanh, kiểm tra... 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng theo Quyết định số 1959/QĐ-SXD được thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh, Sở Xây dựng theo quy định.
Công khai điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025. |
Về nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính, Sở đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện nay, trong tổng số 60 TTHC, Sở Xây dựng đang thực hiện 13 TTHC mức độ 2, đạt 21,7%; 28 TTHC mức độ 3 đạt 46,6% (có 23/45 TTHC mức độ 3 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở); mức độ 4 là 19 TTHC, đạt 31,7% TTHC (trong đó: TTHC mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở là 19/45 TTHC). Đến năm 2020 Sở đã thực hiện 47/60 TTHC mức độ 3, 4 (đạt 78,33%). Các TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 đều được kết nối với Trang thông tin điện tử của Sở, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (https://dichvucong.namdinh.gov.vn) tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân truy cập mọi lúc, mọi nơi để tra cứu hồ sơ và tình hình thực hiện các TTHC có liên quan.
Để góp phần nâng cao năng lực điều hành và đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, Sở đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì và thực hiện tốt phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành (100% văn bản đi, đến đều được xử lý trên phần mềm) và áp dụng việc gửi, nhận văn bản giữa Sở với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố; giữa Ban giám đốc và các phòng bằng hộp thư công vụ của công chức... Về rà soát, đơn giản hoá TTHC, Sở đã thực hiện rà soát lĩnh vực, nhóm TTHC trọng tâm, trong đó tập trung rà soát nhóm, lĩnh vực TTHC liên quan tới cấp phép xây dựng và quy hoạch. Nhờ đó, số lượng TTHC thuộc các lĩnh vực này đã giảm từ 11 TTHC sau chuẩn hóa còn 8 TTHC (có 6 TTHC về cấp phép xây dựng, 2 TTHC về quy hoạch), giảm 3 TTHC. Qua đó, thời gian giải quyết TTHC cũng được rút ngắn tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Các thủ tục về: cấp phép xây dựng từ 30 ngày làm việc được rút xuống 15 ngày làm việc; thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch từ 20 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc; thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch từ 25 ngày làm việc xuống 15 ngày làm việc. Nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính, tính đến ngày 10-12-2020, Sở Xây dựng đã tiếp nhận tổng số 978 hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực, đã giải quyết theo cơ chế một cửa, liên thông 966 hồ sơ, đang giải quyết 12 hồ sơ; 100% số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính của Sở Xây dựng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như 10 TTHC thuộc lĩnh vực thanh tra, kiểm tra (do Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh công bố) chỉ được thực hiện dịch vụ công ở mức độ 2 nên ảnh hưởng tới chỉ tiêu đăng ký thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 của Sở; cán bộ đầu mối thực hiện giải quyết TTHC chủ yếu tập trung giải quyết nhiệm vụ chuyên môn và kiêm nhiệm, do đó thời gian nghiên cứu, tham mưu triển khai các nội dung cải cách hành chính hiệu quả chưa cao.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021 Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính theo hướng “trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”. Để đạt được mục tiêu đó, trong năm 2021, Sở Xây dựng bám sát nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao trong kế hoạch kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2021 để chủ động triển khai thực hiện. Thực hiện kịp thời việc công bố TTHC sửa đổi, bổ sung nhằm công khai, minh bạch tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan theo các nội dung, hình thức đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh quy định và bằng các hình thức thiết thực và thích hợp khác. Tăng số lượng TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC tại cơ quan và thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Kịp thời xử lý các hành vi gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC. Thực hiện có chất lượng quy trình đánh giá tác động đối với quy định về TTHC trong dự thảo văn bản QPPL, chỉ ban hành các TTHC được luật giao và đảm bảo sự cần thiết, hợp lý và hợp pháp. Đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá TTHC và quy định có liên quan còn vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Tăng cường việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với các TTHC để giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện TTHC của cá nhân, tổ chức./.
Bài và ảnh: Thành Trung