Vượt qua năm 2020 đầy gian nan và khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành Ngân hàng đã nỗ lực đồng hành “tiếp lực” cho nền kinh tế đạt được những kết quả khả quan. Với kinh nghiệm đó, ngành Ngân hàng bước sang năm 2021 bằng tâm thế tự tin tiếp tục giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế tỉnh nhà.
Từ vốn vay ưu đãi của Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định, ông Đoàn Văn Nghị, xóm Nam Vinh, xã Yên Lương (Ý Yên) đã đầu tư máy gặt đập liên hợp phát triển dịch vụ thu hoạch lúa đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. |
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 3 lần ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng (VNĐ) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) từ mức 6%/năm xuống mức 4,5%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân (TDND), tổ chức Tài chính vi mô lãi suất giảm từ 7%/năm xuống mức 5,5%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn tỉnh đều được hạ giảm phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ. Ước đến 31-12-2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 76.700 tỷ đồng, tăng 10.857 tỷ đồng (16,5%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 69.100 tỷ đồng, tăng 4.813 tỷ đồng (7,5%) so với đầu năm. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 47.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 68%; cho vay trung, dài hạn là 22.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32%. Nợ xấu đến cuối tháng 10-2020 là 794 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,18% tổng dư nợ cho vay, đảm bảo duy trì ở mức dưới 2% theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng. Thực hiện theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Thống đốc NHNN. Đến nay, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là 7.658 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ là 3.995 tỷ đồng. Trong đó, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay cho 2.122 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm là 2.666 tỷ đồng; số tiền lãi được miễn, giảm là 4,1 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 845 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 1.329 tỷ đồng. Dư nợ lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 35.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,9% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay xuất khẩu là 3,3 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 1 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.188 tỷ đồng, tăng 139 tỷ đồng (4,6%) so với đầu năm, trong đó cho vay nước sạch vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng 36,4%; cho vay hộ cận nghèo chiếm tỷ trọng 29,7%; cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 6,5%; cho vay hộ mới thoát nghèo 16,2%; cho vay học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng 5,3% tổng dư nợ cho vay. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đến nay đã có 435 khách hàng tham gia, số tiền cam kết cho vay 11.518 tỷ đồng, đã giải ngân 10.588 tỷ đồng, đạt 91,9% so với cam kết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Đã có 101 khách hàng tiếp cận và hưởng vốn vay ưu đãi về nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ với số tiền là 37,5 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 40,6 tỷ đồng. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đảm bảo thông suốt, chính xác và an toàn; chất lượng dịch vụ ATM, thẻ ngân hàng và các dịch vụ thanh toán khác tiếp tục được nâng cao. Các TCTD đã chủ động tiếp cận các đơn vị cung ứng dịch vụ công, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng; từng bước triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Bước sang năm 2021, theo các chuyên gia ngành Ngân hàng, với tiến độ sản xuất vắc-xin phòng virus COVID-19 hiện tại, cơ bản dịch bệnh sẽ được kiểm soát khống chế, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ hơn, là cơ hội để các ngân hàng bứt phá tạo đà tăng trưởng so với năm 2020. Cụ thể, thanh khoản toàn thị trường dồi dào, lãi suất tiếp tục duy trì mức thấp và còn có xu hướng giảm tiếp trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng dù không cao như những năm trước nhưng vẫn là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng gia tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát do phần lớn đến từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nên sẽ dễ dàng phục hồi hơn. Nhiều ngân hàng đã tăng được vốn nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, gia tăng sức chống chịu và ứng phó với rủi ro, thách thức, tạo đà bứt tốc cho năm tới. Lợi nhuận thực tế của các ngân hàng sẽ có xu hướng giảm do dự phòng rủi ro tăng, cộng với các đợt hạ giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Tiến trình số hóa của các TCTD sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn phù hợp với phương thức tiêu dùng mới, kinh doanh thương mại điện tử phát triển và người dân đã dần quen với các sản phẩm dịch vụ tiện ích “số hoá”. Lĩnh vực bán lẻ, bán chéo các sản phẩm dịch vụ, tiện ích của các ngân hàng tiếp tục được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn gắn chặt với nhu cầu tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp. Có thể nói, dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho mục tiêu số hoá của ngân hàng được tăng tốc mạnh mẽ hơn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đây là cơ hội để các ngân hàng tái cấu trúc hoạt động, danh mục đầu tư, danh mục sản phẩm - dịch vụ, tăng cường đổi mới sáng tạo, thiết kế sản phẩm - dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại kết hợp thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công. Các TCTD mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu NHNN giao. Tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; dứt khoát không để thiếu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12%, phù hợp với diễn biến nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân./.
Bài và ảnh: Đức Toàn