Hải Hậu phát triển các mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu

05:01, 08/01/2021

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua nhiều người dân huyện Hải Hậu đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng đinh lăng dược liệu của anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu).
Mô hình trồng đinh lăng dược liệu của anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu).

Ông Bùi Văn Sớm, xóm 12, xã Hải Quang (Hải Hậu) là một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển cây đinh lăng dược liệu. Sau khi xây dựng gia đình, trải qua nhiều nghề vất vả mà kinh tế vẫn bấp bênh, tình cờ biết đến mô hình trồng cây đinh lăng cho thu nhập cao, ông chuyển sang trồng thử nghiệm 6 sào; đồng thời đi học 6 tháng về kỹ thuật sấy dược liệu. Trải qua những khó khăn ban đầu, có thời điểm cây đinh lăng “sốt” giá, ông bán được 50 nghìn đồng/kg cành tươi, 25-30 nghìn đồng/kg củ tươi. Nhờ đó, chỉ trong 3 năm vườn đinh lăng của gia đình ông đã thu lãi mấy trăm triệu đồng. Từ nguồn vốn tích lũy, ông mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống tưới nước tự động giúp cho việc chăm sóc thuận tiện. Đặc biệt, từ khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Traphaco, ông được hướng dẫn quy trình sản xuất đinh lăng sạch, từ đó việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu ngày càng thuận lợi. Sản phẩm được Công ty thu mua không phải lo đầu ra, giá cả ổn định, không lo biến động thị trường. Đến nay, ông Sớm sở hữu diện tích trồng cây đinh lăng lớn nhất xã với quy mô 4ha, sản xuất theo quy trình GACP - WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Sau gần 20 năm bền bỉ gây dựng, trang trại của gia đình ông giờ đây được quy hoạch bài bản, khang trang với vườn đinh lăng trồng xen canh cây ăn quả, khu ao nuôi cá, được chọn là vườn kiểu mẫu, đón nhiều đoàn khách đến tham quan. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán 120 tấn củ, rễ đinh lăng cho Công ty cổ phần Traphaco. Với mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng dược liệu kết hợp nuôi cá, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông thu về khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động. Ông còn trực tiếp đứng ra bao tiêu sản phẩm đinh lăng cho nhiều hộ dân trong xã, đảm bảo đầu ra ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi. Ở xóm Nam Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu), anh Đinh Văn Thuận được nhiều người biết tiếng là một tỷ phú nông dân trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm. Sau khi tốt nghiệp đại học, trải qua nhiều nghề, năm 2013, anh Thuận quyết định về quê lập nghiệp. Anh mạnh dạn thuê hơn 2ha đất ruộng, san lấp, cải tạo đất, đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu, quy hoạch thành các vùng chuyên canh cây đinh lăng dư?c li?u ợc liệu kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đến nay, trang trại của anh đã mở rộng với diện tích gần 4ha trồng đinh lăng, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Còn tại xóm Mỹ Hòa, xã Hải Giang (Hải Hậu) những năm qua, Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ Liên Minh cũng mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và nhiều lao động nữ nông nhàn tại địa phương. Nhận thấy điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, các thành viên hợp tác xã đã phát triển trồng cây dược liệu, sản xuất rượu đinh lăng theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Sản phẩm rượu thuốc đinh lăng hiện đã có mặt ở thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Với thế mạnh về phát triển cây dược liệu, Hải Hậu là một trong 2 huyện của tỉnh được chọn thực hiện Dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (BioTrade) ở nội dung: Phát triển dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều trồng cây đinh lăng với diện tích ngày càng được mở rộng, tập trung chủ yếu tại các xã Hải Ninh, Hải Quang, Hải Châu, Hải Giang, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Hà... Đồng thời, công tác quy hoạch vùng phát triển dược liệu đinh lăng theo hướng bền vững nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các Công ty dược liệu và nâng cao thu nhập cho người dân ngày càng được quan tâm. Nhiều hộ tận dụng đất chuyển đổi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng kết hợp với chăn nuôi thủy hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như cơ sở nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu của gia đình chị Phạm Thị Chiên ở xóm 10, Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu) đã chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá diêu hồng và trồng cây đinh lăng dược liệu, cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Sản phẩm của cơ sở cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng… Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho 35 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập mỗi lao động từ 8-12 triệu đồng/tháng. Hay cơ sở sản xuất cây đinh lăng dược liệu của chị Trần Thị Oanh, xóm 12, xã Hải An cung cấp nguồn dược liệu cho Công ty cổ phần Traphaco; tạo việc làm cho 30-40 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của cơ sở đạt 500-550 triệu đồng/năm. 

Chủ trương phát triển cây dược liệu là một trong 3 cây trồng chính trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Hải Hậu đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com