Giải pháp khai thác lợi thế từ EVFTA (kỳ 2)

08:01, 20/01/2021

(tiếp theo và hết)

Để sớm tận dụng hiệu quả Hiệp định Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thời gian qua các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cũng như Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng tốc chỉ đạo, triển khai thực thi đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, các giải pháp hỗ trợ đã thiết lập nền tảng bước đầu, nhưng về lâu dài, đòi hỏi các bước đi quyết liệt của các ngành, các địa phương, đặc biệt là bản thân mỗi doanh nghiệp. 

 

Kiểm tra quy trình sản xuất gạo sạch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Kiểm tra quy trình sản xuất gạo sạch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên).

II. Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đạt chuẩn EVFTA

Với mục tiêu khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, thời gian qua tỉnh luôn xác định các vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là vấn đề quan tâm trong điều hành phát triển kinh tế của các cấp chính quyền, ngành chức năng. 

Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn thu hút sự quan tâm tìm hiểu cũng như nâng cao nhận thức về EVFTA cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp. Để từng bước thâm nhập sâu vào thị trường EU, bên cạnh việc tiếp tục khai thác dư địa từ các các thị trường cửa ngõ, truyền thống (như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ), các doanh nghiệp cần quan tâm tận dụng những cánh cửa nhỏ, những thị trường “ngách” chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh và phù hợp với năng lực của mình. Đặc biệt, các ngành, các địa phương đều đẩy mạnh các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cao nhận thức về quy chuẩn, cải thiện hệ thống trang thiết bị máy móc, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, đáp ứng nguồn gốc xuất xứ. Riêng ngành dệt may, từ nhiều năm trước tỉnh đã đặt mục tiêu giữ vững vị thế Nam Định là cái nôi của ngành dệt may, đã hoạch định, từng bước thực hiện phương án gỡ nút thắt về xuất xứ từ vải cho ngành dệt may. KCN Dệt may Rạng Đông là KCN dệt may lớn nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này, đã thu hút được một số doanh nghiệp tiềm năng như Công ty TNHH Top Textiles đầu tư nhà máy dệt vải với số vốn đăng ký trên 200 triệu USD.

Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT: Những năm gần đây, thay vì chạy theo sản lượng ngành Nông nghiệp đã đặt mục tiêu phải ưu tiên chất lượng, lấy giá trị gia tăng của sản phẩm làm đích đến, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ với trình độ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến. Từ đó đã đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản an toàn. Đến nay tỉnh ta đã xây dựng và phát triển được 28 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gồm: 10 chuỗi thủy sản, 9 chuỗi sản phẩm trồng trọt, 3 chuỗi sản xuất, chế biến các loại muối, 6 chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi. Các chuỗi tiêu biểu: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống và gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô trên 500ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Doanh công suất 2.000 con/ngày… Đặc biệt trong năm 2020, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ Công ty Lenger xây dựng thành công vùng nuôi ngao xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đạt chứng nhận ASC, được ví như visa VIP để ngao Nam Định đi ra khắp thế giới, trong đó có thị trường EU. Theo đồng chí Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH và CN, thời gian qua Sở KH và CN đã phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện chủ trương của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao năng lực hội nhập nền kinh tế quốc tế. Tiêu biểu trong năm 2020 đã thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nội tỉnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản trong tiếp cận, đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc công nghệ cao. Hiện Sở tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối với đối tác ở một số nước Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt là các quốc gia có công nghệ phù hợp với trình độ, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam và của tỉnh. Đặc biệt, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 19-10-2020 về thực hiện EVFTA trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã bám sát định hướng chỉ đạo này để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng trọng tâm các nhiệm vụ theo phân ngành, phân cấp.

Ở cấp bộ, ngành Trung ương cũng tích cực vào cuộc, hành động hiệu quả của Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng hiệu quả EVFTA. Cuối tháng 12-2020, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn tất xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng Cổng Thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do, cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quan tâm tìm hiểu một cách chi tiết, rõ ràng và đơn giản nhất các cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia. Trong đó có EVFTA với các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin khác về tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững. Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã cam kết tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương. Trong đó, đã hợp tác với các nước trong thị trường EU xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu để thực hiện EVFTA, số hóa xúc tiến thương mại để mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có cơ hội tham gia.

Đối với doanh nghiệp trước tiên cần quan tâm tìm hiểu luật lệ của EU về việc làm rõ, minh bạch từ xuất xứ hàng hóa đến các quy định. Đồng thời, cần phải chuẩn bị nguồn lực về con người, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật… Đáng lưu ý, các doanh nghiệp cần nắm bắt EU áp dụng cơ chế thu hoạch sớm (REX) cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình bảo vệ chỉ dẫn địa lý tới hộ gia đình. Đây chính là mô hình phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, đặc biệt có nhiều điểm tương đồng với một số chương trình tỉnh ta đang hỗ trợ thực hiện như: mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý... nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của châu Âu. Vì vậy vào thị trường này là hoàn toàn có thể song bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực tự vươn lên./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com