Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của huyện Xuân Trường giai đoạn 2015-2020, bình quân đạt 5.878 tỷ đồng/năm, giá trị năm 2020 đạt 7.461 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; tiếp tục khẳng định vai trò là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng cùng với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, chính quyền địa phương các doanh nghiệp vẫn nỗ lực vươn lên, ổn định, phát triển sản xuất.
Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên. |
Để đạt kết quả trên, huyện đã tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng với ngân sách địa phương, sự đóng góp của nhân dân tập trung nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. 5 năm qua, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản của huyện đạt 7.768 tỷ đồng; riêng hệ thống đường giao thông đã đầu tư xây dựng 115,75km góp phần nâng cao khả năng liên thông, kết nối giao thương. Toàn huyện đã triển khai 58 dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện, đảm bảo cấp điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp với tổng mức đầu tư 132,816 tỷ đồng. Huyện cũng tập trung đầu tư mở rộng 9,16ha CCN Xuân Tiến để tạo quỹ đất sạch cung ứng cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề phát triển các mặt hàng thế mạnh tham gia hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại thiết thực hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững và phát triển thị trường tiêu thụ. Theo ông Đinh Xuân Mộc, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên cho biết nhờ sự tích cực vận động, hướng dẫn của các cấp chính quyền Công ty đầu tư, nâng cấp dây chuyền công nghệ hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất thiết bị cơ khí phục vụ cho nông nghiệp của Công ty tiếp tục phát triển ngay trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; đảm bảo ổn định việc làm cho 160 lao động. Từ đầu năm 2020, nhờ được khuyến khích và tạo điều kiện, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn tích cực tham gia chương trình OCOP và đã có 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao gồm: trà sáng tạo, bột sắn dây, tinh bột nghệ của địa điểm kinh doanh - Công ty TNHH Green và Book Ambassadors và Matcha trà sữa 3 in 1, bột trà xanh BG Nano của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Matcha Xuân Trường. Trong tổng số 25 doanh nghiệp và 338 cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề cơ khí chế tạo máy Xuân Tiến, có nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô sản xuất. Không chỉ chú trọng cải tiến, hoàn thiện chất lượng các sản phẩm chủ lực (máy tuốt lúa, máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy gia công các sản phẩm đồ gỗ, động cơ điện, máy phát điện, máy ép gạch không nung...), các doanh nghiệp còn quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau cung ứng sản phẩm. Các doanh nghiệp lớn như Doanh nghiệp Tư nhân Tân Việt, Công ty Cổ phần cơ khí Thanh Bằng... đều đặt đại lý tại các địa bàn kinh tế trọng điểm trên toàn quốc, có bố trí đội ngũ thợ kỹ thuật cao để đáp ứng tối đa yêu cầu tư vấn, vận hành, sửa chữa, bảo trì máy móc của khách hàng. Nhờ đó, các doanh nghiệp làng nghề Xuân Tiến đã ngày càng mở rộng thị trường cung ứng sản phẩm trong và ngoài nước; tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động. Tính chung ngành CN-TTCN thì các lĩnh vực cơ khí, dệt may, sản xuất đồ gỗ, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đều đạt mức tăng trưởng khá. 100% xã, thị trấn có các cơ sở sản xuất CN-TTCN, trong đó có 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại xã Xuân Trung (Nhà máy may Smart Shirt) với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD, sử dụng 9ha đất. Các làng nghề truyền thống hoạt động ổn định đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Theo đánh giá của UBND huyện, tuy giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và phát triển chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Quy mô, năng lực sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; sức cạnh tranh hạn chế; thiếu sự liên doanh, liên kết, chuyên môn hóa sản xuất. Để tiếp tục phát triển CN -TTCN, thương mại, dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm nguồn thu ổn định cho ngân sách, huyện Xuân Trường đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân 16,0%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11.861 tỷ đồng; giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 45,5 triệu USD; toàn huyện phấn đấu có ít nhất 15 sản phẩm OCOP. Huyện đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển CN-TTCN phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển bền vững của thị trường. Tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực từ ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, các CCN Thượng Thành, Nam Điền; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu thương mại, dịch vụ tại khu vực chân cầu Lạc Quần theo quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng thu hút các nhà doanh nghiệp có vốn lớn, công nghệ hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy