Tập trung giải pháp thu hồi nợ vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67

07:12, 10/12/2020

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian thực hiện, những khó khăn, vướng mắc dần lộ rõ. Và hiện tại, hầu hết các chủ tàu cá đều lâm vào tình trạng thua lỗ, cầm chừng, khó có khả năng trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của chủ tàu Trần Văn Kiên, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của chủ tàu Trần Văn Kiên, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN tỉnh), đến ngày 25-10-2020, có 36 chủ tàu cá được ký hợp đồng tín dụng cho vay với tổng số tiền 579 tỷ 996 triệu đồng, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay được 563 tỷ 468 triệu đồng. Hiện có 5 ngân hàng thương mại tham gia cho vay đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định, 2 Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh tỉnh Nam Định và Chi nhánh Bắc Nam Định; 2 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định và Chi nhánh Thành Nam. Đã có 36 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đăng ký hoạt động khai thác thuỷ sản. Cụ thể, huyện Giao Thuỷ có 7 tàu vỏ thép đóng mới bổ sung; huyện Hải Hậu có 18 tàu vỏ thép đóng mới (trong đó đã có 1 tàu xoá đăng ký do chìm đắm); huyện Nghĩa Hưng có 11 tàu vỏ thép đóng mới (trong đó đã có 1 tàu xoá đăng ký do chìm đắm). Trong 2 năm đầu 2016 và 2017, đa số các chủ tàu trả gốc, lãi vay đầy đủ và đúng hạn cho các ngân hàng. Từ năm 2018, do khó khăn về khai thác kém hiệu quả, hoạt động duy tu, bảo dưỡng tốn kém, các chủ tàu đã xin giãn thời gian trả nợ. Và đến hiện tại, 32/34 tàu đều phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Ngô Lam Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết: “Khi Nghị định 67 mới ra đời, ngân hàng đã tiên phong triển khai, lập tổ chuyên trách để tư vấn, hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục vay vốn để đóng tàu. Đồng thời, tích cực tham gia tổ thẩm định của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh để thẩm định các điều kiện vay của ngư dân. Do đó, mong muốn lớn nhất hiện nay của các ngân hàng là Ban chỉ đạo 67 tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tích cực vào cuộc, phối hợp xử lý thấu đáo những khoản nợ xấu phát sinh. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân hiểu rằng mặc dù được hưởng chính sách ưu đãi nhưng đây không phải vốn ngân sách tài trợ của Nhà nước mà là nguồn vốn của ngân hàng “đi vay” để cho ngư dân vay. Vì thế, ngư dân phải có trách nhiệm lo trả nợ đúng hạn cả gốc, lãi cho ngân hàng”. Qua tìm hiểu của các cơ quan chức năng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như diễn biến thời tiết thất thường, ngư trường không thuận lợi cùng với việc số lượng tàu cá tăng nhanh khiến cho việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn thì có lý do ngư dân vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách của Đảng, Nhà nước, có tâm lý ỷ lại vào chính sách; nhiều ngư dân có tình hình tài chính tốt nhưng vẫn không thiện chí trả nợ theo cam kết… Việc giám sát, quản lý dòng tiền thu từ bán hải sản của các chủ tàu để thu hồi nợ vay gặp nhiều khó khăn như: chủ tàu hoạt động ở vùng biển xa, ít vào cảng cá tại tỉnh để bán mà thường xuyên cho tàu vào các cảng ở tỉnh khác để bán hoặc bán hải sản cho các tàu dịch vụ hậu cần ở ngoài khơi trước khi tàu cập cảng. Qua nhiều lần làm việc, các chủ tàu luôn báo với ngân hàng không có tiền trả nợ do khai thác thua lỗ hoặc hòa vốn... Quá trình vay vốn nhiều ngư dân không chấp hành các quy định bắt buộc như việc mua bảo hiểm đối với tàu cá (tài sản thế chấp là tàu cá hình thành từ vốn vay), vi phạm hợp đồng thế chấp tài sản (giao tàu cho người khác quản lý, sử dụng), chậm trễ trong việc bổ sung hồ sơ đăng kiểm, giấy phép khai thác hải sản… gây khó khăn và rủi ro lớn cho hoạt động ngân hàng.

Về phía ngân hàng, căn cứ vào thực tế khó khăn, vướng mắc, đề xuất của ngư dân và chính sách ưu đãi theo Nghị định 67, các ngân hàng đã tạo điều kiện điều chỉnh thời gian cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi nhiều lần nhằm tạo điều kiện để ngư dân được hưởng tối ưu nhất chính sách ưu đãi của Nhà nước và thực hiện trả nợ gốc, lãi theo như cam kết của hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, nợ xấu của chương trình này vẫn tiếp diễn và có xu hướng tăng nhanh gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng. Một số chi nhánh cấp II do ảnh hưởng của chương trình này tỷ lệ nợ xấu đã vượt ngưỡng, thuộc diện cảnh báo. Bản thân các ngân hàng thương mại đã chủ động hợp tác gửi nhiều văn bản đề xuất, kiến nghị đối với các cấp, các ngành để có giải pháp hỗ trợ ngân hàng trong việc đôn đốc, quản lý, giám sát ngư dân chấp hành các quy định và trả nợ ngân hàng theo cam kết. Thực tế đến nay, nhiều ngư dân vẫn tiếp tục chây ỳ không trả nợ, vi phạm các cam kết, vi phạm hợp đồng tín dụng… Thậm chí, nhiều ngư dân còn gửi đơn kiến nghị tố cáo “ngược lại” các ngân hàng sai phạm?!. Mới đây, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng thương mại, đại diện các chủ tàu cá vay theo Nghị định 67 trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng. Tại hội nghị đối thoại, đại diện Chi nhánh NHNN tỉnh đã trực tiếp trả lời, giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của các chủ tàu cá. Hầu hết các chủ tàu đã đồng thuận, thống nhất về chủ trương, chính sách. Tuy nhiên đến nay, tình hình giải quyết nợ xấu của ngân hàng vẫn chưa được cải thiện. Đến ngày 25-10-2020, các ngân hàng đã thu nợ gốc và lãi là 67 tỷ 201 triệu đồng. Có 32/34 tàu phát sinh nợ quá hạn. Số tiền gốc quá hạn là 77 tỷ 783 triệu đồng, lãi quá hạn là 26 tỷ 109 triệu đồng. Cực chẳng đã, các ngân hàng đã buộc phải thu giữ 4 con tàu để phát mại. Tuy nhiên, ngân hàng cũng chưa thể chuyển đổi chủ tàu vì chưa thoả thuận được việc chuyển giao và hỗ trợ cụ thể cho chủ tàu mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đảm bảo chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển thuỷ sản được thực hiện nghiêm túc, đồng thời đảm bảo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa ngân hàng và chủ tàu; Chi nhánh NHNN tỉnh đang tiến hành xây dựng chương trình phối hợp liên ngành quản lý giám sát hoạt động tàu cá đóng mới cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng. Trọng tâm của các giải pháp là tiếp tục tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu về ý nghĩa, ưu đãi theo Nghị định 67, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký, nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay; mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân; hỗ trợ các chi nhánh ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt, đánh giá hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính của các chủ tàu 67 để thu hồi nợ đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ỳ; nhanh chóng thụ lý hồ sơ khởi kiện của tổ chức tín dụng… Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ các chủ tàu, để giúp các ngân hàng thương mại hạn chế rủi ro phát sinh. Các sở, ngành, ngân hàng, UBND các huyện liên quan cần nắm bắt được thông tin về các nguồn thu, nguồn hỗ trợ hợp pháp của chủ tàu để có biện pháp thu hồi nợ phù hợp; chủ động rà soát, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng đã ký kết để có giải pháp xử lý cụ thể đối với những trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ì; chỉ đạo các cơ quan thi hành án và các đơn vị liên quan hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ, quản lý, đẩy nhanh tiến độ thi hành án và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay./.

Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com