Hiện nay, thời tiết chuyển sang đông với các đợt rét đậm, rét hại kéo dài; mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường khiến hoạt động sản xuất chăn nuôi của tỉnh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc quản lý tốt hoạt động vận chuyển động vật, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm cần được các cấp, ngành chức năng tăng cường thực hiện để hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, tạo nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm.
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Thời gian qua, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật vừa đảm bảo yêu cầu an toàn vừa tạo điều kiện cho hàng hóa thực phẩm lưu thông thông suốt. Chi cục đã kiểm dịch vận chuyển động vật trên cạn được 56.150 con lợn, giảm 55%; gần 1 triệu 894 nghìn con gia cầm giống, giảm 24%; 915 nghìn 584 con gia cầm thịt, giảm 4% và 18.194 con động vật khác, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ kiểm dịch giảm là do tổng đàn giảm và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Kiểm dịch động vật thủy sản được 111.295 chùm hàu giống, 7.300kg ngao giống và hơn 193 vạn con cá giống; kiểm dịch vận chuyển được 1.442 tấn sản phẩm động vật. Lực lượng chức năng đã tổ chức rà soát, thống kê số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để phân loại, đánh giá và tổ chức cho 359 cơ sở ký cam kết; tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại 37 cơ sở (bao gồm 12 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 4 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và 21 cơ sở kinh doanh thú y và thức ăn chăn nuôi). Qua đó, đã phát hiện và xử phạt hành chính 1 cơ sở về vi phạm chứng chỉ hành nghề thú y hết thời hạn. Phối hợp với Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) xử lý 6 xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch vận chuyển, tự ý tháo dỡ niêm phong kẹp chì, sản phẩm không đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm cho người. Thực hiện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại 59 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 2 cơ sở thu gom, sơ chế sản phẩm động vật làm thực phẩm; 5 cơ sở ấp nở gia cầm; 7 cơ sở chăn nuôi ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh và Nghĩa Hưng; lấy 45 mẫu nước kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh theo quy định. Kết quả có 46 cơ sở còn hoạt động đều bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; 13 cơ sở dừng hoạt động, các mẫu nước đều có chỉ tiêu vi sinh nằm trong ngưỡng cho phép theo quy định.
Những tháng cuối năm nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật, các loại thịt gia súc, gia cầm tăng cao kết hợp với thời tiết chuyển rét, vì vậy việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm cũng tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan các dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn và nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn. Sở NN và PTNT chỉ đạo ngành Nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ và nhập con giống vào địa bàn; khi phát hiện các trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định. Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức rà soát, thống kê và thực hiện quản lý theo Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND ngày 21-11-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công, phân cấp cơ quan thẩm định, cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về an toàn thực phẩm. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND xã, phường, thị trấn lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện ký cam kết theo quy định tại Thông tư 09 về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y để đánh giá các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, thành phố thực hiện kiểm tra, thẩm định, xếp loại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở ký cam kết vẫn còn hiệu lực; tổ chức tập huấn về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chăn nuôi thú y và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phân công cán bộ phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, lực lượng Công an các huyện triển khai kế hoạch kiểm soát hoạt động của các phương tiện trên các tuyến đường trong tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển động vật chưa qua kiểm dịch vào tỉnh. Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan như Luật Thú y, Luật Chăn nuôi. UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đủ điều kiện; đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn ký cam kết không vận chuyển, giết mổ, buôn bán, kinh doanh gia súc, gia cầm ốm chết và kiên quyết đóng cửa những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không được cấp phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm cũng được các lực lượng chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Công an tỉnh và các lực lượng chức năng phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật không có giấy kiểm dịch vận chuyển, giấy kiểm định an toàn dịch bệnh, không có nguồn gốc xuất xứ./.
Bài và ảnh: Văn Đại