Để khuyến khích thúc đẩy phong trào ứng dụng KH và CN vào sản xuất, phát triển kinh tế, thời gian qua, ngành KH và CN tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó phương thức chuyển giao qua hoạt động tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình thực tế cho thấy hiệu quả thiết thực, phù hợp với đối tượng chuyển giao.
Sản xuất rau sạch trong nhà lưới tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định). |
Thực hiện chương trình, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN (Sở KH và CN) phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức cho hơn 40 nông dân trong tỉnh đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến ở Hà Nội. Chuyến đi học tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh trực thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đoàn được giới thiệu 15 quy trình kỹ thuật nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô cải tiến ở quy mô công nghiệp đạt tỷ lệ sống trên 95% trên các loại hoa: cúc, lay ơn, đồng tiền, lan hồ điệp, địa lan, lan vũ nữ, lan rừng, cẩm chướng... chất lượng cây tốt, đồng đều; 12 quy trình điều tiết nở hoa theo ý muốn bằng các biện pháp cơ lý, hóa học và dinh dưỡng cho các giống lan hồ điệp, cúc, đồng tiền, địa lan, lan vũ nữ và hoa mai, hoa đào... giúp tăng hiệu quả sản xuất hoa lên 20-30% so với cách làm thông thường. Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh còn hướng dẫn quy trình sản xuất lan hồ điệp khép kín từ khâu chọn lọc, nhân giống, chăm sóc, điều khiển hoa nở và thu hái, đóng gói, trang trí, vận chuyển sản phẩm... bằng các trang thiết bị hiện đại, trong nhà lưới và phòng vô trùng. Ghi nhận thực tiễn cho thấy, ưu điểm của phương pháp này cho chất lượng hoa bền, đẹp đồng đều tương đương hoa nhập ngoại song giá thành sản xuất chỉ bằng 2/3. Không những vậy thời gian sản xuất còn rút ngắn 1/3 thời gian (6 tháng) so với quy trình cũ (18 tháng). Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh cho biết: thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 45 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh ta, về giống sản xuất và kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao. Kế hoạch trong năm 2021, Trung tâm sẽ giúp một HTX của tỉnh xây dựng nhà lưới đạt chuẩn trồng hoa lan hồ điệp. Đoàn đã đến tham quan trao đổi kỹ thuật với người trồng hoa ở làng đào Nhật Tân (Hà Nội). Sau nhiều năm “vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm”, người dân Nhật Tân đã biết áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao giá trị cây đào. Nhiều chủng loại, thế đào được nghiên cứu kỳ công, tôn thêm vẻ đẹp cho đào, khiến người chơi thích thú như: đào bon sai, đào uốn hình rồng, đào mini… đáp ứng các nhu cầu của người chơi và các địa điểm trưng bày như trong gia đình đến các công sở, trường học, khách sạn, nhà hàng và nơi công cộng. Là một trong những hộ trồng đào lâu năm tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), ông Nguyễn Văn Vân cho biết đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ chuyến tham quan đào Nhật Tân lần này, trong đó ông ấn tượng nhất là kỹ thuật ghép mắt đào Nhật Tân vào gốc đào rừng để tạo thành cây đào gốc cổ thụ nhưng thân, cành lại có sự tươi mới khỏe khoắn với những bông hoa thắm sắc đào Nhật Tân. “Hiện nhu cầu của người chơi ngày càng đa dạng và càng cao do vậy người trồng nếu biết cách tạo ra những thế đào đẹp, nâng cao chất lượng hoa thì sẽ rất hút khách. Chuyến tham quan thực tế giúp tôi nâng cao nhận thức về sự cần thiết nghiên cứu, ứng dụng KHKT và sáng tạo trong uốn tỉa, tạo thế đào để thu hút người chơi và tăng lợi nhuận cho người sản xuất”.
Cũng trong đợt tham quan lần này, các hộ nông dân trong tỉnh còn được tham quan “Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” do Bộ KH và CN phối hợp Bộ NN và PTNT tổ chức. Có 200 gian hàng với hơn 1.000 công nghệ được trình diễn của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà sáng chế trong nước và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực công nghệ: cơ khí chế tạo trong nông nghiệp, chế biến bảo quản sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, xử lý môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược liệu... Đây là cơ hội tốt để những thành viên đoàn tham quan học tập, tìm hiểu công nghệ, có định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới. Tham dự sự kiện, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN cũng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, công nghệ do đơn vị nghiên cứu thành công như: công nghệ trồng thủy canh hồi lưu trụ đứng, khoai tây giống khí canh, chế phẩm sinh học EM, các sản phẩm nấm ăn, nấm đông trùng hạ thảo... Ông Đặng Xuân Lạc, nông dân thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) cho biết, ông “tâm đắc” nhất là mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng bởi có nhiều ưu điểm như tận dụng được không gian nhỏ hẹp để trồng rau xanh mà không cần đất; hạn chế tối đa sâu bệnh; đặc biệt là dễ dàng kiểm soát các nguyên tố khoáng, chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh hơn phương pháp trồng truyền thống.
Đồng chí Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch của đơn vị, khảo sát đánh giá nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và căn cứ vào đặc điểm sản xuất của từng địa phương trong tỉnh để lựa chọn giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm sẽ mời các nhà khoa học, doanh nghiệp về phổ biến, tuyên truyền và chia sẻ thông tin giúp nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận, nắm bắt các tiến bộ khoa học công nghệ mới, từ đó chủ động áp dụng vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bắt kịp xu hướng phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh