Hoạt động thanh tra, giám sát đóng vai trò quan trọng và then chốt trong hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh. Đây là nghiệp vụ giúp Chi nhánh quản lý hiệu quả hoạt động của toàn ngành và từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, dư nợ tín dụng trên đà tăng trưởng nước rút, hoạt động giao dịch dân sự nhiều, nhu cầu về tiền mặt tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rủi ro tín dụng đen, đòi hỏi hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động các ngân hàng phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.
Thẩm định hồ sơ vay vốn tại Quỹ TDND Hải Hà (Hải Hậu). |
Thời gian qua, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo kế hoạch và đột xuất bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong năm 2020, Thanh tra NHNN tỉnh đã tiến hành 15 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD trên địa bàn (thanh tra 12 cuộc, kiểm tra 3 cuộc); đưa ra 190 kiến nghị, số tiền kiến nghị thu hồi 32 tỷ 719 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3 đơn vị số tiền 41 triệu đồng. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động ngoại hối đối với Công ty TNHH May mặc JUNZHEN (Vụ Bản) và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, Chi nhánh đã cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, thành phố kiểm tra hoạt động tín dụng đen; đổi tiền mệnh giá nhỏ tại các điểm tổ chức lễ hội và Tết Nguyên đán. Bên cạnh việc củng cố hoạt động giám sát an toàn vi mô truyền thống, chất lượng của hoạt động giám sát an toàn vĩ mô đã được tăng cường mạnh mẽ. Chi nhánh NHNN tỉnh đã ứng dụng, phát triển và triển khai các công cụ giám sát giúp cảnh báo sớm rủi ro như mô hình dự báo tài chính, đo lường - đánh giá hiệu quả hoạt động để phát hiện những xu hướng tiêu cực, cảnh báo sớm rủi ro và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Qua đó, Thanh tra, giám sát ngân hàng tỉnh đã kịp thời có các đề xuất, kiến nghị, văn bản cảnh báo rủi ro về lãi suất huy động; chất lượng tín dụng, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cấp tín dụng các dự án BOT, BT, sở hữu chéo, lãi dự thu, tình hình quản trị, điều hành... của hệ thống các TCTD. Đồng thời, nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD. Ngoài ra, quy định trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng tiếp tục được chuẩn hóa, bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm trong giám sát ngân hàng, góp phần bảo đảm tiến độ theo dõi, đôn đốc, đánh giá kịp thời phương án khắc phục của đối tượng... Từ sự đổi mới và tăng cường công tác giám sát, nhiều sai phạm, rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các TCTD được phát hiện và Thanh tra NHNN tỉnh kịp thời làm việc trực tiếp, ban hành văn bản cảnh báo các TCTD để có các biện pháp chấn chỉnh. Trên cơ sở những sai phạm, rủi ro phát hiện qua công tác giám sát, Chi nhánh NHNN tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, cảnh báo, yêu cầu các TCTD tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, báo cáo nguyên nhân và biện pháp xử lý để giảm thiểu rủi ro. Hoạt động giám sát từ xa đối với các quỹ TDND được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện ra những yếu kém, sai phạm của từng quỹ, kiến nghị biện pháp khắc phục và thông báo bằng văn bản tới các quỹ. Hoạt động thanh tra tại chỗ với các Quỹ TDND luôn được chú trọng. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm đối với từng quỹ. Hàng năm có từ 40-45% quỹ TDND được thanh tra, kiểm tra. Công tác thanh tra, kiểm tra tại chỗ đã phát hiện những sai phạm trong hoạt động của các quỹ. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả và đúng các quy định. Sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra công tác theo dõi, đôn đốc việc chỉnh sửa, khắc phục những sai phạm được quan tâm từ khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc - nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Từ đó, đã giúp các quỹ nhanh chóng khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém. Cùng với đó, Thanh tra, giám sát ngân hàng tích cực phối hợp với Công an tỉnh, sở, ngành liên quan tăng cường công tác đấu tranh vi phạm, kiên quyết không để tín dụng đen phát triển đặc biệt ở địa bàn nông thôn. Từ tháng 6 đến đầu tháng 11-2020, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, khởi tố 11 vụ, 16 bị can phạm tội liên quan đến hoạt động tín dụng đen gồm 2 vụ, 2 bị can “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; 2 vụ, 2 bị can tội “Cướp tài sản”; 1 vụ, 1 bị can tội “Đánh bạc, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”; 6 vụ, 11 bị can tội “Cố ý gây thương tích”; triệt xoá 4 băng nhóm, bắt 15 đối tượng hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Nhờ đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã được kiềm chế, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận nhân dân.
Cuối năm, lực lượng Thanh tra, giám sát ngân hàng tỉnh tăng cường thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc triển khai thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN Việt Nam và các quy định về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử và các văn bản pháp luật có liên quan trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống, để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu; tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro tại các TCTD và quỹ TDND./.
Bài và ảnh: Đức Toàn