Hoạt động khuyến công - "Bà đỡ" cho nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn (kỳ 1)

06:12, 20/12/2020

Các chương trình, dự án khuyến công thiết thực góp phần giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn giảm áp lực tài chính; có động lực đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức hút người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ bất cập cần khắc phục để tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nông thôn.

Ảnh 1: Được hỗ trợ vốn từ nguồn khuyến công tỉnh, cơ sở sản xuất Vũ Thị Vân phố Tây Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản) có thêm động lực đầu tư dây chuyền xay xát gạo tự động.  Ảnh 2: Sản xuất lưới thép tại cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Khoa, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Được hỗ trợ vốn từ nguồn khuyến công tỉnh, cơ sở sản xuất Vũ Thị Vân phố Tây Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản) có thêm động lực đầu tư dây chuyền xay xát gạo tự động. 

I. Kết quả thiết thực từ nguồn vốn khuyến công

Cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Khoa mới đi vào sản xuất lưới thép tại CCN thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) từ tháng 3-2020. Sản xuất sản phẩm mới trên địa bàn huyện phục vụ chủ yếu cho nhu cầu làm hàng rào chăn nuôi và các ngành công nghiệp tại địa phương nên mọi sự hỗ trợ là hết sức quan trọng với sự phát triển của cơ sở. Nắm bắt được nhu cầu của đơn vị, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC và XTTM) tỉnh đã hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Với tổng kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng, chủ cơ sở Lê Văn Khoa đã mạnh dạn đầu tư một dây chuyền sản xuất tự động nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm lưới thép hàn đạt quy chuẩn. Với nguyên liệu đầu vào của thương hiệu uy tín, sản phẩm của cơ sở đảm bảo độ bền, khoảng cách giữa các dây thép rất đồng đều, diện tích các mặt ngang hoàn toàn bằng nhau; thiết kế hiện đại, thông thoáng. Nhờ đó, dù mới cung ứng ra thị trường nhưng sản phẩm của sơ sở đã được nhiều chủ trang trại, chủ công trình xây dựng tin tưởng lựa chọn sử dụng, nhiều đại lý tại các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam... đặt đơn hàng phân phối dài hạn. Trên đà phát triển cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Khoa dự tính, sang đầu năm 2021, tiếp tục đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất lưới thép để tăng công suất, sản lượng, kịp đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các địa lý. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) là doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ, hoạt động từ năm 2003 nhưng do hệ thống thiết bị ban đầu chỉ là những máy móc thủ công nên trước đây năng suất lao động, chất lượng sản phẩm chưa cao. Nhận được sự tư vấn tích cực của cán bộ khuyến công huyện và tỉnh, năm 2018 Công ty đã dồn lực đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ ép thanh. Năm 2019 Công ty được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công tỉnh khi đầu tư thiết bị máy sấy gỗ; năm 2020 Công ty tiếp tục được hỗ trợ 500 triệu đồng thực hiện mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm thanh gỗ ghép. Anh Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty cho biết: Việc quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ gối sóng của Trung tâm KC và XTTM tỉnh đã giúp Công ty có động lực đầu tư nâng cấp thiết bị với tổng vốn đạt 28 tỷ đồng; sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao. Hiện Công ty đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường nội địa mới như: Bình Dương, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Nghệ An. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, sản phẩm của Công ty còn được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Hàn Quốc, Malaysia. Từ 10 lao động ban đầu, đến nay quy mô sản xuất của Công ty ngày một phát triển, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Luyến, chủ cơ sở sản xuất Vũ Thị Vân phố Tây Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản) cho biết: cơ sở sản xuất của gia đình chị đã làm nghề mua bán, xay xát gạo được 30 năm. Trước kia, hệ thống máy móc, thiết bị lạc hậu nên bình quân mỗi ngày cơ sở chỉ xay sát, cung ứng ra thị trường địa phương từ 8-10 tấn gạo. Được cán bộ khuyến công huyện, tỉnh tư vấn; kịp thời được tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công tỉnh, gia đình chị đã có thêm động lực, quyết tâm đầu tư hệ thống máy xay sát tự động với tổng vốn đầu tư máy móc trên 10 tỷ đồng. Dây chuyền xay sát gạo tự động đã giúp đồng bộ hóa trong công đoạn tách vỏ trấu, máy tách màu, loại bỏ tạp chất… góp phần đảm bảo hạt gạo đạt quy chuẩn, chất lượng để xuất khẩu. Với công suất 4 tấn/giờ, cho sản lượng bình quân 25 tấn/ngày, gia đình chị đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường các tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu thông qua doanh nghiệp lớn của tỉnh Hải Phòng. Theo đồng chí Trần Xuân Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Gôi, việc đổi mới công nghệ thiết bị không chỉ giúp cơ sở xay xát gạo Vũ Thị Vân mở rộng quy mô sản xuất mà còn giúp cho các hộ dân tham gia liên kết của thị trấn yên tâm duy trì canh tác trong điều kiện quỹ đất sản xuất lúa của thị trấn chỉ còn 270ha. Đồng chí Trần Văn Xứng, Trưởng Phòng Công Thương huyện Vụ Bản cho biết, năm 2020 toàn huyện được nhận 3 dự án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ảnh 1: Được hỗ trợ vốn từ nguồn khuyến công tỉnh, cơ sở sản xuất Vũ Thị Vân phố Tây Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản) có thêm động lực đầu tư dây chuyền xay xát gạo tự động. Ảnh 2: Sản xuất lưới thép tại cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Khoa, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Bài và ảnh: Thanh Thúy
Sản xuất lưới thép tại cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Khoa, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). 

Năm 2020, bằng nguồn vốn khuyến công tỉnh, Trung tâm KC và XTTM tỉnh đã hỗ trợ 14 chương trình, dự án khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó, có 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới với mức hỗ trợ bình quân 400-500 triệu đồng/mô hình; 10 chương trình hỗ trợ ứng dụng thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với mức hỗ trợ từ 100 đến 250 triệu đồng/chương trình. Các chương trình, dự án khuyến công đã tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, tham gia liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản; các ngành làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Điểm nhấn của hoạt động khuyến công năm 2020 do Trung tâm KC và XTTM tỉnh thực hiện là đã bám sát vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bám sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn, do đó mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ sở và người lao động. Đáng ghi nhận, trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn (nhất là khó khăn về vốn) và gia tăng mức độ cạnh tranh do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, thì việc kịp thời nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã thực sự giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn kịp thời giảm áp lực tài chính; có thêm động lực đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết lập nền tảng cải thiện chất lượng, năng lực cạnh tranh, nâng cao sức thu hút người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đánh giá các chương trình, dự án khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com