Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ, một mặt khiến nhu cầu vay vốn sụt giảm, tín dụng tăng thấp nhất trong vòng mấy năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của ngân hàng; mặt khác nó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng cũ, đẩy rủi ro nợ xấu tăng cao, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý. Giữa bối cảnh đó, hệ thống ngành Ngân hàng đã nỗ lực chung tay góp sức cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động sau dịch COVID-19. |
Ðứng trước khó khăn của doanh nghiệp, các ngân hàng xác định, doanh nghiệp có tồn tại, “sống khỏe” được thì ngân hàng mới phát triển và ngược lại. Trên tinh thần đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại có thể giảm sâu mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, NHNN cũng lùi thời hạn giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 1 năm để giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Các ngân hàng đã tích cực vào cuộc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ðể có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng đã triển khai đồng loạt các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, cắt giảm lương, thưởng... Nhờ đó theo báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 30-9-2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 7.437 tỷ đồng. Dư nợ đã được ngân hàng hỗ trợ 3.837 tỷ đồng; trong đó, dư nợ được miễn, giảm lãi là 2.665 tỷ đồng (số tiền được miễn, giảm là 2,5 tỷ đồng, với 2.122 khách hàng); 816 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 1.169 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch. Nhiều ngân hàng đã có 3-4 đợt giảm lãi suất cho vay trên diện rộng đối với khách hàng. Năm nay, các ngân hàng đều không đặt mục tiêu lợi nhuận cao mà vấn đề đặt lên hàng đầu là chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, tiếp tục tồn tại và phát triển trong giai đoạn hậu dịch COVID-19. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Ðịnh và chi nhánh Bắc Nam Ðịnh đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay. Lần gần nhất là cắt giảm thêm 0,3%/năm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng tối đa hiện chỉ còn 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thành Nam và Chi nhánh Nam Ðịnh, 2 ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5%-3,0%/năm so với thời điểm truớc dịch COVID-19. Trong quý III năm 2020, cả 2 Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trên địa bàn tỉnh đã triển khai gói ưu đãi lãi suất với quy mô 60 nghìn tỷ đồng; trong đó, lãi suất cho vay từ 4,3%/năm đối với Việt Nam đồng và 2,0%/năm đối với USD (giảm tiếp 0,2-0,5%/năm so với gói ưu đãi lãi suất quý II năm 2020). Mới đây, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân gói vay hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc do dịch COVID-19 đầu tiên cho Công ty TNHH Châu Long. Ðây là tín hiệu tích cực khẳng định sự đồng hành tiếp sức từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp, tăng cường lan toả chính sách hỗ trợ của Chính phủ vào cuộc sống nhanh nhất để phục hồi nền kinh tế hậu dịch.
Nhờ vậy, bước sang quý IV năm 2020, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đang có mức tăng trưởng khá. Ðiều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tín dụng những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá. Hiện tại, tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống 10 tháng qua đạt 6,5%, tăng gần 2% so với quý III năm 2020. Dự kiến cả năm 2020, dư nợ tín dụng có khả năng đạt 7,5%, huy động vốn tăng trưởng đạt 16,5% góp phần cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh. Với đà ấy thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chi nhánh NHNN tỉnh cam kết thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ðồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tập trung vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ða dạng các gói sản phẩm dịch vụ kích cầu thị trường tiêu thụ, tiêu dùng vào dịp cao điểm cuối năm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn