Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và những khó khăn mới của thị trường tài chính, bên cạnh các giải pháp tài chính cốt lõi về cho vay và huy động vốn, các ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang tăng cường đầu tư phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và chương trình khuyến mãi để tăng tính cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường.
Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thành Nam. |
Có thể nói, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ (SPDV) là một đòi hỏi cấp thiết, là giải pháp cơ bản, không những giúp các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh và còn mở rộng thị phần phân khúc khách hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường tài chính. Ngoài ra, tập trung vào phân khúc bán lẻ cũng góp phần giúp các ngân hàng kiểm soát giảm thiểu rủi ro mà vẫn đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn. Việc đa dạng hóa SPDV theo hướng hiện đại là mối quan tâm lớn của tất cả các ngân hàng nhằm khai thác thị trường bán lẻ với mục tiêu tạo điểm khác biệt hấp dẫn cho sản phẩm của mình. Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Bắc Nam Định, dư nợ hiện tăng trưởng ổn định với 7.500 tỷ đồng, đạt mục tiêu tăng trưởng 10%/năm đã đề ra. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 4.400 tỷ đồng. Với tiêu chí “Khách hàng là trọng tâm trong mọi hoạt động”, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nhiều sản phẩm tiện ích để thu hút khách hàng Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ khách hàng. Ngoài các sản phẩm tín dụng cho vay thông thường, ngân hàng đã liên kết với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AVIVA Việt Nam cung cấp nhiều gói bảo hiểm ưu đãi như bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm ô tô, xe máy; bảo hiểm thẻ, bảo hiểm doanh nghiệp, bảo hiểm người vay vốn với nhiều ưu đãi. Song song với đó, ngân hàng cũng tích cực tuyên truyền về các tiện ích dịch vụ số, khuyến khích khách hàng chuyển dịch mạnh mẽ các giao dịch tại quầy sang giao dịch online trên nền tảng eFast (đối với khách hàng doanh nghiệp), iPay (đối với khách hàng cá nhân). Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích được Vietinbank tích hợp trên nền tảng công nghệ số trực tuyến như: đặt vé tàu, vé xe, vé máy bay, phòng khách sạn, mua vé xem phim, gửi tiền tiết kiệm, chi trả các dịch vụ thiết yếu cuộc sống như tiền điện nước, cước điện thoại viễn thông, internet… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định cũng tập trung phát triển nhiều dịch vụ tiện ích, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như: Thu hộ ngân sách Nhà nước, thanh toán song phương Kho bạc Nhà nước với các đơn vị, mở rộng sản phẩm tiền gửi trực tuyến tại CDM, cung cấp dịch vụ Samsung Pay, phát hành thẻ chip không tiếp xúc mang thương hiệu Visa, MasterCard, kết nối thanh toán trực tuyến OnePay, ví điện tử MoMo, Moca, nâng cao chất lượng dịch vụ E-Banking, chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 trên Internet Banking, mở rộng triển khai các sản phẩm huy động vốn trên E-Banking… Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã nhanh chóng tiếp cận thị trường bán lẻ với các sản phẩm dịch vụ đa dạng được cá nhân hoá đáp ứng tối đa nhu cầu chi tiêu của người dân. Có thể kể đến như dịch vụ “đặt phòng khách sạn siêu tốc” trên ứng dụng VCB Digibank; ưu đãi vay mua ô tô Suzuki, quà tặng tham gia tư vấn bảo hiểm Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, miễn phí phát hành thẻ Vietcombank… Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Định và chi nhánh Thành Nam tiếp tục đưa ra chương trình khuyến mãi “Lĩnh lãi định kỳ, rinh quà tiện nghi” áp dụng đến hết ngày 20-3-2021. Theo đó, các khách hàng gửi mới hoặc quay vòng tài khoản tiền gửi tiết kiệm BIDV tại quầy, đồng thời mở và nhận lãi hàng tháng qua tài khoản thanh toán “Lãi An Phát” sẽ được nhận ngay quà tặng bằng tiền mặt với tổng giá trị quà tặng tiền mặt của chương trình lên đến hơn 7,95 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, làn sóng cung cấp tiện ích dịch vụ giữa các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh bị đình trệ bởi dịch COVID-19. Vì thế, phát triển đa dạng các SPDV tín dụng sẽ là chiến lược kinh doanh “kép” của các ngân hàng vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, giảm thiểu rủi ro nợ xấu, đồng thời góp phần phát triển khách hàng, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ tạo nền tảng để xây dựng các chiến lược phát triển SPDV phù hợp với đa dạng đối tượng khách hàng, các SPDV đặc thù phù hợp với thế mạnh khách hàng của từng ngân hàng. Phát triển thêm các gói tín dụng đa dạng liên kết với các công ty tài chính, kinh doanh, bảo hiểm, bất động sản, dịch vụ du lịch, hệ thống siêu thị điện máy, website thương mại điện tử… tăng cường chuỗi cung ứng thông minh hướng tới nhiều phân khúc khách hàng mới. Đẩy mạnh các SPDV thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng điện tử góp phần thúc đẩy hệ sinh thái tài chính phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại./.
Bài và ảnh: Đức Toàn