Để chung tay thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu, các hội viên phụ nữ xã Nam Hùng (Nam Trực) cùng nhau triển khai mô hình phân loại rác thải, xây dựng tuyến đường hoa. Những rìa đường trước đây vốn là nơi công cộng, quản lý chung chung nên trở thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ của người dân khiến môi trường sống trở nên ô nhiễm. Với khẩu hiệu “thêm khóm hoa, bớt túi rác”, chị em đã vận động nhau góp công, góp của dọn rác, trồng hoa ven đường, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa ngăn chặn, từng bước tác động thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của người dân. Cùng với xây dựng những tuyến đường hoa, Hội Phụ nữ cũng vận động chị em thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, rác hữu cơ được xử lý ngay tại gia đình, tái chế làm phân bón, giảm đáng kể lượng rác phải thu gom tập kết đưa về nơi xử lý chung của xã, góp phần khắc phục tình trạng quá tải của khu xử lý rác… Đúng theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những tuyến đường hoa thơ mộng từ phong trào “vác tù và hàng tổng” của chị em đã từng bước tạo sự chuyển biến hết sức tự nhiên trong ý thức của người dân về trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường chung, thay đổi các thói quen ứng xử, sinh hoạt nơi công cộng theo hướng thân thiện. Không chỉ hội viên phụ nữ mà đã thu hút, huy động cả các “đấng mày râu”, người cao tuổi, thiếu nhi tích cực tham gia trồng cây, chăm sóc, quét dọn, nhặt rác để đường hoa luôn sạch đẹp.
Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng tại nhà dân xã Hải Châu (Hải Hậu). Ảnh: Thanh Thúy |
Thời gian qua, mô hình xử lý rác thải tập trung của các vùng nông thôn trong tỉnh sau một thời gian vận hành đã bộc lộ những hạn chế, đối với môi trường do công nghệ đơn giản, hệ thống xuống cấp, quá tải năng lực, gây ô nhiễm thứ phát từ lượng rác ùn ứ, nước rỉ rác, mùi, khói bụi từ quá trình đốt rác. Kịp thời nhận ra bất cập, tỉnh đã sớm chỉ đạo khắc phục, dừng đầu tư lò đốt và khu xử lý rác quy mô nhỏ cấp xã, yêu cầu quy hoạch khu xử lý rác quy mô vùng liên xã, liên huyện. Song vốn đầu tư và lựa chọn vị trí xây dựng là một vấn đề hết sức nan giải đối với các địa phương trong tỉnh. Xử lý rác thải nông thôn không chỉ là vấn đề khó đối với tỉnh ta mà là “nan đề” của các địa phương trên cả nước.
Để khắc phục tình trạng này, một giải pháp được chỉ đạo thí điểm là phân loại rác thải tại nguồn, giao cho các tổ chức đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng mô hình. Rác hữu cơ được phân loại ngay tại từng gia đình, đào hố (nếu có đất vườn rộng) hoặc lắp đặt thùng chứa, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý ủ hoai mục, vừa khắc phục phát sinh mùi hôi, ngăn chặn ruồi, vừa biến thành nguồn phân hữu cơ để bón vườn, ruộng chăm sóc cây trồng, bổ sung dưỡng chất cải tạo đất. Nông dân nhiều nơi đã năng động sáng tạo trong phân loại chất thải hữu cơ (loại đem ủ làm phân vi sinh, loại tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi), vừa tạo thêm nguồn thu từ sản phẩm tái chế, vừa giảm khối lượng lớn rác thải phải thu gom và xử lý tập trung (theo tính toán của cơ quan chuyên môn giảm tới 40-50%).
Điều đáng ghi nhận là sau một thời gian ngắn triển khai thí điểm, những hiệu quả thiết thực từ mô hình đã được người dân nhận thức và tự giác tiếp nhận tham gia thực hiện, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn đã tích cực vào cuộc, lồng ghép với các chương trình, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” của tổ chức, đơn vị, ngành mình để triển khai nên việc phân loại rác thải tại nguồn đã nhanh chóng được nhân rộng ở nhiều địa bàn có điều kiện. Ngoài những thành công về mặt vật chất, điều quan trọng là nhiều người dân, nhiều cộng đồng dân cư đã nâng cao nhận thức, ý thức về các mối nguy, hệ lụy tiêu cực cho kinh tế - xã hội từ ô nhiễm môi trường của rác thải và xử lý rác thải. Đây là tiền đề, đòn bẩy quan trọng cho việc nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tạo thành một phong trào sâu rộng có tính tự giác cao trong cộng đồng. Khẩu hiệu “thêm khóm hoa, bớt túi rác” đã được nhân rộng ở nhiều vùng quê khác với nhiều phương thức thực hiện đa dạng, sinh động để xây dựng các vùng quê thực sự “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Đó là cơ sở để thời gian tới việc phân loại rác thải tại nguồn được chỉ đạo và kỳ vọng sẽ phát triển rộng rãi, trở thành phong trào tự giác của các cộng đồng dân cư nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề môi trường trong đời sống hàng ngày, góp sức cùng Nhà nước khắc phục khó khăn về ngân sách đầu tư hạn hẹp, trở thành giải pháp có tính bền vững cho môi trường. Người dân cần nâng cao nhận thức rằng “miền quê đáng sống” không chỉ có nhiều công trình to, hiện đại, không chỉ riêng “nhà sạch” mà quan trọng phải là không gian sống nhiều “sạch”: không khí sạch, ngõ xóm sạch, sông kênh sạch, đồng ruộng sạch…
Vân Thi