Với quyết tâm không để “đất nghỉ, đất trống” nên từ nhiều năm nay vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm ở Nghĩa Hưng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên từng đơn vị diện tích đất canh tác của địa phương.
Ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa, nông dân các xã, thị trấn của huyện Nghĩa Hưng đã bắt tay ngay vào việc gieo trồng cây vụ đông, đặc biệt là các cây ưa lạnh, phấn đấu bảo đảm khung thời vụ, diện tích theo kế hoạch. Tuy nhiên mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 7 làm hàng trăm héc-ta hoa màu vụ đông của các địa phương trong huyện bị thiệt hại. Huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án tiêu thoát nước, tổ chức gieo trồng lại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích rau màu có thể phục hồi. Đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được hơn 700ha cây vụ đông, chủ lực là cà chua, bí xanh, dưa chuột, bí đỏ và rau màu các loại. Để hoàn thành kế hoạch gieo trồng trên 1.079ha, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tập trung sản xuất vụ đông, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, kiểm tra và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng. UBND huyện đã tiếp nhận 1.700kg hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia phân bổ cho các địa phương để cấp phát cho nông dân. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX Dịch vụ nông nghiệp căn cứ tình hình thực tế để cấp phát đúng đối tượng. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng hạt giống tổ chức sản xuất đạt hiệu quả… Từ nhiều năm nay, thị trấn Quỹ Nhất luôn là một trong những địa phương đi đầu ở huyện về phát triển mạnh các loại cây màu vụ đông trên đất 2 lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Vũ Ngọc Khước, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Quỹ Nhất cho biết: Với tinh thần “không để đất nghỉ”, bà con nông dân ở 12 tổ dân phố đã thực hiện phương pháp xen canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, mang lại thu nhập cao. Vụ đông năm 2020, thị trấn Quỹ Nhất phấn đấu gieo trồng 131ha cây màu, đến nay địa phương đã gieo trồng được 90% diện tích, trong đó có gần 103ha trên đất 2 lúa hoặc đất 2 lúa chuyển đổi linh hoạt với các cây trồng chủ lực là cà chua, bí xanh, dưa chuột… Những năm gần đây, nông dân rất năng động, chủ động lựa chọn giống, nắm bắt nhu cầu thị trường để trồng những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân Quỹ Nhất vốn cần cù, chịu khó nên nhà nào cũng trồng cây vụ đông, nhờ đó phong trào làm vụ đông hàng hóa phát triển rộng khắp ở các tổ dân phố. Nhiều gia đình đến vụ đông thuê thêm 5-7 người làm để cho kịp thời vụ. HTX đã liên kết với các đơn vị doanh nghiệp để cung ứng giống, vật tư phân bón và phổ biến khoa học kỹ thuật gieo trồng nên người dân luôn tích cực trồng cây vụ đông. Sở dĩ thị trấn Quỹ Nhất duy trì được diện tích trồng cây vụ đông lớn là do địa phương có truyền thống thâm canh, nhiều loại cây trồng vụ đông có thời gian canh tác ngắn nhưng cho thu nhập cao nên ai cũng hăng say làm. Vụ đông năm nay nhiều hộ chủ động trồng cà chua, dưa chuột sớm để bán giá cao song bị ảnh hưởng của bão số 7 nên đến nay đang tập trung chăm sóc phục hồi trở lại. Nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ mươi ngày nữa sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Nhiều diện tích đất không có thời gian nghỉ vì người dân tăng vụ trồng nhiều loại cây có thời gian thu hoạch nhanh; có diện tích trồng 4 vụ/năm, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/sào. Gặp bác Lại Văn Hiệp ở tổ dân phố số 7 ngoài ruộng, lúc vừa lên giàn cho luống cà chua vừa cho chúng tôi biết: Năm nào gia đình tôi cũng trồng hơn 4 sào cà chua giống Tre Việt. Sản phẩm cà chua thương phẩm được thị trường ưa chuộng, đến kỳ thu hoạch được các thương lái về tận ruộng thu mua, mang lại nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/sào. Tại tổ dân phố số 3, vợ chồng anh Phạm Văn Chinh đang chăm chú cắt tỉa, loại bỏ những nhánh thừa, lá gẫy dập cho hơn 1,7 mẫu cà chua. Anh Chinh cho biết: Để đáp ứng khung thời vụ, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy làm đất, thuê người lên luống, dựng giàn bằng ống tuýp sắt và gom ruộng của những gia đình để ruộng không, từng bước mở rộng diện tích trồng cà chua vụ đông cung cấp cho các đại lý, siêu thị tại thành phố Nam Định. Tuy nhiên, vụ đông năm nay có thắng lợi hay không còn phụ thuộc vào thời tiết có “mưa thuận gió hòa”?!. Hơn nữa nếu được HTX ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý thì người trồng cây vụ đông như gia đình tôi mới thực sự yên tâm tạo ra vùng sản xuất lớn, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và không để ruộng trống…
Theo kế hoạch, vụ đông năm nay huyện Nghĩa Hưng gieo trồng trên 1.079ha cây vụ đông, trong đó có gần 306ha cây rau màu trên đất 2 lúa với các cây trồng chính là bí xanh, cà chua, bí đỏ, đậu tương. Để bảo đảm khung thời vụ, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nhân lực, phương tiện thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa, huy động máy làm đất để kịp thời vụ gieo trồng cây vụ đông. Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn phối hợp với các HTX Dịch vụ nông nghiệp lên kế hoạch, quy hoạch vùng trồng cây vụ đông; tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng thôn, xóm, hộ gia đình và hướng dẫn bà con làm đất, gieo trồng đúng thời vụ, kỹ thuật. Những địa phương có khả năng thì xây dựng kho lạnh bảo quản giống, sản phẩm nông sản thương phẩm cho nông dân; hỗ trợ diệt chuột bảo vệ cây vụ đông; tu bổ, nạo vét kênh mương, nâng cấp sửa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng trong vụ đông năm nay và các vụ tiếp theo. Đồng thời, vận động bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Chú trọng hướng dẫn nông dân thâm canh, luân canh các loại cây trồng hợp lý, dễ làm, có thị trường tiêu thụ ổn định, chi phí sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế khá. Huyện Nghĩa Hưng phấn đấu giành được vụ đông năm 2020 thắng lợi cả về diện tích, sản lượng, giá trị thu nhập, góp phần tích cực gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân./.
Văn Đại