Xã Nam Mỹ (Nam Trực) có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ do phù sa sông Hồng bồi đắp nên từ xưa đến nay rất thuận lợi trong gieo trồng giống gạo đặc sản Dự hương và cây hoa đào. Nhu cầu tiêu dùng hai mặt hàng này không ngừng gia tăng, vì vậy, Đảng ủy, UBND xã Nam Mỹ xác định đây là các mũi nhọn tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chăm sóc hoa, cây cảnh tại xóm Tiền Phong 2, xã Nam Mỹ. |
Để thúc đẩy người dân phát triển sản xuất trên quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo Dự hương và cây hoa đào, xã Nam Mỹ đã chủ động quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, đặc biệt đã đầu tư cho phục tráng giống, chăm bón cây và tạo mọi điều kiện về tiếp cận đất đai, giống, vốn cho người sản xuất. Xã đã tổ chức rà soát, quy hoạch các khu vực sản xuất chuyên biệt. Từ năm 2007, xã đã được Trung tâm Giống cây trồng tỉnh phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện Dự án “Phục tráng giống Dự hương ở Nam Mỹ, Nam Trực, Nam Định” nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý của giống lúa này, chống lại quá trình thoái hóa tự nhiên làm giảm chất lượng dẫn đến mất nguồn giống gốc. Sau 3 năm tập trung chọn lọc, nhóm nghiên cứu đã chọn ra những dòng phân ly tốt của giống lúa Dự hương để phục tráng tạo nên giống lúa thế hệ mới năng suất cao hơn so với giống cũ đang dần bị thoái hóa mà vẫn giữ được đặc tính dẻo, thơm, ngon. Dự án đã tập huấn cho nông dân kỹ thuật phục tráng, nhân giống để quản lý chất lượng giống; quy trình kỹ thuật chăm bón hợp lý khắc phục chống đổ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thóc. Hiện tại, lúa Dự hương được nông dân Nam Mỹ gieo trồng ở cánh đồng lớn với diện tích gieo cấy trên 60ha, tập trung tại 4 xóm: Đại Thắng, Đồng Tâm, Tân Dân và Trung Thành. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt phương thức “3 cùng” là gieo cấy cùng trà, cùng giống, cùng phương thức canh tác, năng suất lúa bình quân đạt 100-120 kg/sào, nhiều hộ thâm canh tốt năng suất đạt 140 kg/sào; chất lượng gạo Dự Hương được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu gạo Dự hương; thành lập nhóm tiêu thụ, tổ chức thu mua, xay xát và đóng gói gạo Dự hương theo đúng phương thức truyền thống nhằm bảo đảm chất lượng gạo đặc sản khi đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm gạo Dự Hương của Nam Mỹ chỉ được đưa ra thị trường vào dịp cuối năm với giá bán cao gấp 3-5 lần gạo tẻ thường. Đối với nghề trồng hoa đào truyền thống, xã đã dành hơn 70ha đất chuyên canh tạo nên vùng hoa lớn mỗi dịp tết đến xuân về. Xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Trung bình mỗi năm Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành chức năng, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh dạy nghề uốn tỉa, chăm sóc cây cảnh cho hàng trăm lao động địa phương; giúp người dân ứng dụng thành thục nhiều kỹ thuật khó như ghép mắt, tỉa cành, định ngày cho hoa nở và nuôi rễ, nuôi hoa, phối màu hoa trên một gốc… Với khả năng sáng tạo không ngừng, từ hơn 30 năm nay, nghề trồng đào của Nam Mỹ đã có sự phát triển vượt bậc. Ban đầu việc trồng hoa đào chỉ đơn giản là gieo ươm từ hạt giống, tạo cành, vào thế; đến thuần hóa đưa đào Nhật Tân, đào Thất Thốn (Hà Nội); đào bạch (giống đào quý hiếm) về trồng trên đất Nam Mỹ, rồi ghép đào vườn vào gốc đào rừng để tạo nên những sản phẩm vừa có dáng vẻ tuổi tác hoang dã của gốc đào rừng lại vẫn mang nét kiêu sa, rực rỡ nhiều bông, cánh thắm của đào vườn. Theo thống kê của UBND xã, đến nay toàn xã có trên 1.600 hộ trồng đào, chiếm 74% số hộ nông dân trong xã, mỗi hộ có từ 5-7 sào đến 1-2 mẫu trồng hoa đào. Nghề trồng đào phát triển mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trong xã với mức thu nhập bình quân 200-500 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình như hộ ông Trần Ngọc Lịch, Đào Thiện Vượng, Trần Ngọc Chiến, Trần Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Mừng, Đào Văn Chất, Đào Quang Dũng… ở các xóm Tân Dân, Tiền Phong 1, Tiền Phong 2. Gần đây, từ kinh nghiệm trồng hoa đào trước những diễn biến của thị trường hoa cây cảnh thời gian qua, người dân Nam Mỹ đang tiếp cận phát triển trồng các loại hoa, cây cảnh và cây công trình, cây bóng mát. Đây là hướng phát triển mới phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như đảm bảo người dân trong xã có hàng hóa xuất bán quanh năm. Anh Cao Thế Anh, xóm Tiền Phong 2, là một trong những nghệ nhân sinh vật cảnh trẻ của xã. Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh đã có khu nhà vườn hàng nghìn m2 với nhiều loại cây cảnh lâu năm truyền thống (tùng kim, tùng la hán, si, sanh…). Trong đó, đa phần là cây tùng la hán có 50-60 năm tuổi, được định giá hàng trăm triệu đồng. Anh Thế Anh cho biết: Sinh ra và lớn lên ở làng nghề, tôi được làm quen với nghề trồng, cắt tỉa cây cảnh từ những ngày còn bé nên có nhiều ý tưởng cho nghề truyền thống của cha ông. Năm 2015, tôi chuyển hướng sang trồng chuyên về các loại cây tùng, tập trung vào cây tùng la hán gốc cổ, hướng đến đối tượng khách hàng có khả năng chi trả cao. Mỗi năm nhà vườn của gia đình anh Thế Anh cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Gia đình ông Trần Văn Quyền, xóm Tiền Phong 2 đã chuyển sang buôn bán cây ăn quả, cây bóng mát từ khắp nơi trong cả nước. Hiện ông Quyền sở hữu 2 vườn cây với tổng diện tích 5.000m2 trồng cây cảnh nghệ thuật và cây công trình, cây bóng mát, đảm bảo việc làm ổn định cho 6-7 lao động.
Xác định sản xuất nông sản hàng hóa là mũi nhọn phát triển kinh tế không chỉ mang lại thu nhập cao cho người nông dân mà còn thúc đẩy các phong trào văn hóa, xã hội của địa phương, thời gian tới, xã Nam Mỹ tiếp tục tìm biện pháp thúc đẩy phát triển làng nghề trồng hoa cây cảnh, nâng cao giá trị thương mại sản phẩm gạo đặc sản Dự Hương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến, bảo quản và đăng ký nhãn hiệu tập thể và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Tiếp tục chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả ở khu vực ven sông sang nuôi thủy sản và trồng rau sạch. Khuyến khích người dân hình thành, tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh và chăm sóc khách hàng để thúc đẩy sản xuất phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha canh tác đạt từ 160 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/năm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương