Theo đánh giá của Sở Công Thương, những tháng đầu năm, các chỉ số tiêu dùng nội địa tăng không cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa những tháng cuối năm, các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kết nối giao thương, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng…
Người tiêu dùng mua sắm hoa quả đặc sản miền Tây tại Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy). |
Sự kiện Tháng khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 9-2020 được lồng ghép với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình: mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xúc tiến thương mại, khuyến công nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng đã góp phần làm “ấm” không khí mua sắm của người dân sau một thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất thường trên toàn cầu. Theo số liệu của Sở Công Thương, tháng 9-2020, toàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình khuyến mại trực tiếp tại Sở với nhiều hình thức như: khuyến mại giờ vàng, giảm đến 50% giá trị hàng hóa so với giá bán ban đầu; mua một tặng một, mua hàng tặng quà và tặng quyền mua một số sản phẩm giảm giá đến 0 đồng theo giá trị hóa đơn thanh toán với tổng giá trị hàng khuyến mại lên đến trên 50 tỷ đồng. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ thông báo hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại từ 80-100%; nhóm doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện, điện tử, thông tin liên lạc hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại từ 60% đến 79%. Sức mua của người tiêu dùng nhờ đó đã tăng nhanh. Tại các Siêu thị BigC, Vinmart (thành phố Nam Định); Lan Chi (Giao Thủy), CountryMart (Hải Hậu) để thu hút người tiêu dùng, các đơn vị đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mại với các hình thức khác nhau, nhất là mặt hàng điện gia dụng, hàng công nghệ phẩm, rau, củ, quả, thực phẩm... Theo đại diện Siêu thị Co.op Mart, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, khách hàng ít mua sắm trực tiếp và thắt chặt mọi chi tiêu nên ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, đơn vị mở thêm bán hàng trực tuyến và chạy chương trình khuyến mại cho gần 3.000 sản phẩm trong siêu thị. Nhóm hàng công nghệ, lương thực, thực phẩm có chế độ khuyến mại nhiều nhất lên tới 50%. Nhờ vậy, doanh thu bán hàng đối với các sản phẩm thiết yếu như: gạo, bột mì, đường, bánh kẹo, nước mắm, dầu ăn, mì tôm… vẫn đạt chỉ tiêu. Nhiều doanh nghiệp thực hiện biện pháp bán hàng di động ở một số chợ truyền thống. Sau tháng khuyến mại tập trung, Sở Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục kéo dài chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp bán lẻ, hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác tổ chức các chương trình kết nối sản xuất - tiêu dùng; giới thiệu nông sản sạch; gian hàng khởi nghiệp đồng thời triển khai hàng trăm chương trình khuyến mại vào dịp cuối tuần tại các siêu thị, trung tâm thương mại và khu công cộng trên địa bàn nhằm thu hút người dân đến mua sắm. Đặc biệt, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh đã phối hợp xây dựng thành công 1 điểm bán hàng Việt tại thành phố Nam Định. Tại 5 điểm bán hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh cùng hàng chục cửa hàng tự chọn của các doanh nghiệp thành viên cũng tổ chức giới thiệu nông sản sạch. Trong đó, có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, có những sản phẩm OCOP nổi tiếng như: Gạo sạch Toản Xuân; nước mắm Ninh Cơ; nước mắm Lâm Bão, muối sạch, muối dược liệu, thủy hải sản Hùng Vương, nông sản sấy khô Minh Dương; rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh; nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát… Đây là kênh quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng Việt trực tiếp đến người tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững. Nhờ vậy, lượng hàng tiêu thụ gia tăng, người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt với giá hợp lý. Bằng nhiều biện pháp kích cầu trên, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 47.004 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Những đơn vị sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trở lại hoạt động bình thường bảo đảm nhu cầu của người dân.
Thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung - cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ tết do Bộ Công Thương tổ chức. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp tết cho các địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời cụ thể hóa các cam kết cung ứng hàng hóa do các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với các tỉnh bạn. Trong đó, ngay trong tháng 11, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại kết nối thành công việc đưa các sản phẩm của tỉnh Nghệ An vào chuỗi cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch, siêu thị Minmart (Công ty TNHH MTV Minh Dương) và ngược lại các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng sẽ được kết nối tiêu thụ tại thị trường Nghệ An. Để khuyến khích tiêu dùng, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu để kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, đấu tranh ngăn chặn kịp thời để người dân yên tâm mua sắm.
Với những giải pháp thiết thực vừa kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương