Điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của xã Trực Chính (Trực Ninh) những năm gần đây là đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ. 5 năm trở lại đây, bình quân giá trị thu nhập từ thương mại dịch vụ của xã đạt trên 71 tỷ đồng, tăng 11,5%/năm. Đây là kết quả của sự nỗ lực, kiên định mục tiêu quyết tâm phát huy tiềm năng đất đai trù phú và lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang” để tổ chức tốt hoạt động thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Ao nuôi cá trắm đen theo công nghệ vi sinh tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Trực Chính. |
Đảng ủy, UBND xã Trực Chính đã xác định rõ việc tổ chức tốt hoạt động thương mại dịch vụ là tháo gỡ nút thắt cơ bản để thúc đẩy sản xuất phát triển, từ đó làm tốt công tác quy hoạch vùng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cũng như việc trang bị kiến thức tiếp cận thị trường cho người dân. Trên cơ sở đó, xã đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành 3 phân khu chính gồm: khu hành chính, khu dịch vụ thương mại và khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, khu phát triển thương mại dịch vụ được bố trí dọc theo các tuyến đường trục chính, tỉnh lộ 487. Quy hoạch sản xuất từng khu vực riêng gồm: Vùng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực; vùng sản xuất nông sản hàng hóa; vùng nuôi trồng thủy sản. Ở mỗi vùng, xã đều đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Đồng thời quy định các hộ dân tham gia sản xuất ở khu nào phải đáp ứng yêu cầu chung về quy mô, hệ thống tưới, tiêu nước của khu đó, tránh đầu tư hời hợt, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ xung quanh. Trong đó, tại vùng đất bãi ven sông rộng 85ha được xã đầu tư đồng bộ hệ thống tưới, tiêu nước hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang chuyên canh rau màu. Vùng nuôi thủy sản tập trung có diện tích 71ha đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện và thủy lợi để người dân yên tâm đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có chiến lược phát triển kênh tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Hiện tại xã đã duy trì vùng sản xuất cánh đồng lớn 60ha tại xứ đồng Thứ Năm đến Đồng Đáy; hợp đồng với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi liên kết lúa giống và lúa chất lượng cao với diện tích 70ha tại vùng Cánh Gò; hình thành 3 mô hình nuôi thâm canh cá trắm đen ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt hầu hết diện tích canh tác của xã đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng đến các loại cây có giá trị gia tăng cao như khoai tây, ngô nếp, ngưu tất, đẳng sâm và tăng hệ số quay vòng sử dụng đất từ 2 lên 3 vụ/năm… Hầu hết các sản phẩm đều đạt giá trị gia tăng cao gấp 1,5 đến 5 lần so với trước đây. Trong đó, các loại nông sản như thóc giống, khoai tây, ngô nếp thương phẩm được các doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Minh Dương (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) hợp đồng thu mua theo mùa vụ; những sản phẩm khác như cá truyền thống, cá lóc bông, vược, trắm đen đặc sản được các thương lái về tận đầm thu mua với giá cao. Tổng giá trị trồng trọt, chăn nuôi của xã bình quân đạt trên 50 tỷ đồng/năm. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã Trực Chính còn tập trung các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các nghề mới như: may công nghiệp, cơ khí, chế biến gỗ… Đối với nghề dệt truyền thống, ngoài các cơ sở lớn, hầu hết các hộ dân đơn lẻ trong làng nghề đều tập trung vào HTX dệt để hỗ trợ nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong đợt diễn ra dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp, các hộ dân trong làng nghề vẫn duy trì sản xuất những sản phẩm dệt ít bị ảnh hưởng như khăn lau phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân thay cho khăn buồng, phòng dùng trong khách sạn và nhanh chóng chuyển đổi phát triển thêm nhiều việc làm mới. Trong đó, cơ sở dệt Trường Giang đang triển khai mô hình sản xuất than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hộ chị Trịnh Thị Hằng, xóm 4 mở xưởng sản xuất quả cầu thể thao. Ngoài công nhân kỹ thuật, thợ đột dập cần có sức khỏe, cơ sở của chị tạo việc làm, thu nhập ổn định với mức từ 60-100 nghìn đồng/ngày công cho hàng chục lao động “tận dụng” và các dịch vụ hỗ trợ nguyên phụ liệu khác. Đến nay, trên địa bàn có 7 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất với 103 lao động; có 322 hộ sản xuất, với 314 lao động.
Dịch vụ thương mại được tổ chức tốt đã thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của từng sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người dân. Phát huy những kết quả đã đạt được, những năm tiếp theo, xã Trực Chính xác định tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm xây dựng NTM bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các cây trồng có giá trị, hiệu quả cao; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại. Đồng thời tiếp tục chuyển đổi 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản; 10ha đất cánh bãi sang trồng cây lưu niên theo Nghị định 62 của Chính phủ; xây dựng từ 1-2 mô hình sản xuất rau thâm canh công nghệ cao tại khu vực Sa nội 1, Sa nội 2, Sa nội 3 và có từ 1-2 sản phẩm OCOP trở lên. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 100 triệu đồng/năm, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 125 triệu đồng/ha/năm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương