Triển khai chiến lược tài chính toàn diện

08:10, 30/10/2020

Tài chính toàn diện” là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương theo cách thức thuận tiện và phù hợp nhất với nhu cầu, qua đó góp phần tạo sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được Chính phủ coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững đóng góp lớn vào việc xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với quan điểm đó, tháng 1-2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 3-9-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược.

Cán bộ Agribank chi nhánh Giao Thuỷ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Cán bộ Agribank chi nhánh Giao Thuỷ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Hiện tại, toàn tỉnh có 22 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I (gồm 7 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 12 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng HTX tỉnh, Ngân hàng Phát triển khu vực Nam Định - Hà Nam), 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 114 phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm. Toàn tỉnh đã có 214 máy ATM, 386 máy POS; số lượng thẻ phát hành lũy kế đến nay là 1.115.579 thẻ. Số món giao dịch qua POS lũy kế đến hết quý III năm 2020 là 113.503 món với tổng giá trị đạt 645 tỷ đồng. Qua ghi nhận trên thực tế của các cơ quan chức năng cho thấy đã có sự chuyển biến tương đối rõ rệt trong phát triển tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế lâu nay vốn không phải là đối tượng được chú trọng như hộ khách hàng cá nhân, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã... Các ngân hàng cũng ngày càng chú trọng hơn trong việc cung cấp các giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua việc xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là gói giải pháp tài chính toàn diện. Phần lớn các ngân hàng thương mại đã cung ứng dịch vụ thanh toán dịch vụ công qua kênh internet banking và mobile banking. Các dịch vụ thanh toán như: tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí, viện phí... qua ngân hàng ngày càng trở nên phổ cập. Các ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày, xây dựng trên địa bàn tỉnh để tận dụng lợi thế của mỗi bên trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới số đông khách hàng là công nhân, người lao động phổ thông để phổ biến, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tiện ích tài chính hiện đại của người dân. Công tác truyền thông về hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng được đẩy mạnh giúp thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng, tăng cường sử dụng dịch vụ, tiện ích của ngân hàng. 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, phát triển tài chính toàn diện tại tỉnh ta còn nhiều khó khăn và thách thức. Hầu hết các trụ sở chính ngân hàng tập trung ở địa bàn thành phố, số lượng các phòng giao dịch, chi nhánh tại địa bàn khu vực nông thôn còn thấp. Số lượng người dân được tận hưởng các tiện ích công nghệ từ thẻ ATM và các dịch vụ thanh toán mới chưa nhiều do hạn chế về trình độ sử dụng công nghệ; người dân vùng nông thôn vẫn quen sử dụng tiền giấy và giao dịch tài chính tại quầy, còn nhiều khó khăn phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hạ tầng kỹ thuật thiết bị công nghệ trên địa bàn nông thôn còn chưa đầy đủ dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tiện ích tài chính hiện đại của người dân. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu dẫn đến khó đo lường, đánh giá thực trạng tài chính toàn diện, nguyên nhân của thực trạng này và khả năng hấp thụ giải pháp.

Theo Kế hoạch số 79 UBND tỉnh đề ra các mục tiêu: phấn đấu đến cuối năm 2025 cần đạt: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, tiến tới vào năm 2030, mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; có ít nhất 20 chi nhánh ngân hàng thương mại, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên 100 nghìn người trưởng thành. Ít nhất 50% số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng, không bao gồm điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội). Ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Ít nhất 1.800 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; 53% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng trưởng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt từ 20%-25%/năm. Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, tỉnh ta đã đề ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản thuận tiện, chi phí hợp lý; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; tuyên truyền, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào chương trình nông thôn mới nâng cao, đẩy mạnh việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới, với vai trò là cơ quan thường trực, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính có mạng lưới rộng tại địa bàn vùng nông thôn trở thành đại lý của ngân hàng theo quy định. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, ATM và POS ở vùng nông thôn. Tăng cường quản lý hệ thống tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả. Mở rộng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Khuyến khích các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô phát triển đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ đảm bảo cung ứng dịch vụ đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ thiết yếu như thanh toán điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí. Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com