Cơn bão số 7 đi qua, tại tỉnh ta mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến nhiều tuyến đê, kè của các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sự an toàn của hệ thống và các công trình phòng chống thiên tai. Theo dự báo, thời gian tới thời tiết sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp mà trước mắt là cơn bão số 8 kết hợp với không khí lạnh đang ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh ta. Vì vậy ưu tiên tập trung nguồn lực, phương tiện xử lý cấp bách một số công trình đê, kè nhằm bảo đảm an toàn cho cả hệ thống và phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới là nhiệm vụ đang được UBND tỉnh, các cấp, ngành và các địa phương tích cực thực hiện.
Bão số 7 gây sạt, sập phần lớn kè bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu), vì vậy cần xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tuyến kè và khu du lịch trước những diễn biến phức tạp của mưa bão trong thời gian tới. |
Theo đoàn công tác của UBND tỉnh đi kiểm tra những thiệt hại và ảnh hưởng của bão số 7 đến các công trình đê, kè của tỉnh, chúng tôi có mặt ở bối Hồng Hà, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Bãi bối thuộc hạ lưu kè Hồng Hà chịu tác động trực tiếp của dòng chảy nên đã bị sói lở nghiêm trọng. Tại K27+320 đến K161+500 nước lũ dâng cao, chảy siết đã làm sạt lở, ăn sâu vào bãi từ 3 đến 5m tạo thành những hàm ếch vách đứng với chiều dài gần 200m. Ông Trần Văn Cảnh, một người dân đang vét đất rõng cho những luống hoa ở đây cho biết: “Bão số 7 vừa qua đã “nuốt chửng” của chúng tôi hơn 5m đất bãi cuốn theo hoa màu và làm mất diện tích đất canh tác. Hiện, nước sông vẫn đang tiếp tục gây sói lở, sạt sập với tốc độ từ 20-50cm mỗi ngày; nếu không có biện pháp xử lý khẩn cấp thì phần lớn vùng bãi này sẽ bị cuốn trôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân chúng tôi do không còn đất sản xuất…”. Không riêng tuyến đê, kè sông, bão số 7 với cường độ gió mạnh cấp 7, giật cấp 10 tại các vùng biển kết hợp với mưa to đến rất to cùng đỉnh triều cường dâng cao, sóng lớn đã đánh sập nhiều vị trí đê, kè biển của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy. Tại tuyến kè Hải Thịnh 3, bãi tắm Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), gió bão, triều cường đã gây sạt, sập tại nhiều vị trí. Ở kè Hải Thịnh 3, bão đã gây sạt sập 2 vị trí tại K25+320 và K25+770 với tổng diện tích các hố sập 278m2. Kè bãi tắm Thịnh Long bị sạt, sập toàn bộ, có đoạn sạt lở sâu vào tới 40-50m vào tới mặt đường nhựa của khu du lịch khiến đất, đá nhà cửa tan hoang, ngổn ngang, các cửa hàng, ki-ốt phải đóng cửa. Mặc dù Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Hải Hậu chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý giờ đầu song nguy cơ sạt lở, sụt vẫn rất lớn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến an toàn của toàn hệ thống đề, kè biển của huyện Hải Hậu. Đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Kè khu vực bãi tắm Thịnh Long không chỉ góp phần bảo vệ, bảo đảm an toàn cho tuyến đê biển chính của tỉnh phía trong mà còn bảo vệ hàng loạt công trình của Nhà nước, người dân trên khu du lịch như: Trụ sở cơ quan Công an, bưu điện, ngân hàng, bệnh viện, 1 khách sạn, 118 nhà hàng, ki-ốt của người dân cùng hệ thống hạ tầng giao thông mới được đầu tư, nâng cấp trong thời gian gần đây. Những ngày tới, nếu có bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng như cơn bão số 7 vừa qua thì tuyến đê, kè bãi tắm Thịnh Long sẽ tiếp tục bị sạt sập, sụt lún, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, đồng thời đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống đê, kè biển của tỉnh. Vì thế, huyện Hải Hậu rất mong UBND tỉnh quan tâm tạo nguồn lực, chỉ đạo ngành chức năng xử lý cấp bách công trình này trong thời gian sớm nhất để bảo đảm an toàn cho công trình. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết thêm: Huyện đã phân công lực lượng thường trực 24/24 để giám sát, kiểm tra và phát hiện kịp thời các hiện tượng sụt lún, đứt gãy để báo cáo UBND tỉnh, huyện có phương án tổ chức lực lượng xử lý ngay giờ đầu nhằm hạn chế tối đa các hố sạt, sập tiếp tục bị mở rộng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn vật tư dự trữ tại chỗ không còn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý giờ đầu để bảo vệ công trình…
Trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục, xử lý các công trình đê, kè bị ảnh hưởng bởi bão số 7 vừa qua tại các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực trong việc triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ của ngành chức năng, các địa phương, đơn vị và người dân nên không để xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên theo đánh giá, thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp, tổng giá trị thiệt hại vật chất khoảng 68,8 tỷ đồng. Mưa bão đã làm 8% diện tích lúa mùa và 100% diện tích cây rau màu vụ đông bị ảnh hưởng; trong đó 52ha lúa mùa bị thiệt hại trên 70% và 905ha rau màu vụ đông bị thiệt hại trên 70% không thể khôi phục. Đặc biệt một số vị trí đê bối như: Hồng Hà (Mỹ Lộc), Đồng Tâm (Vụ Bản), Yên Phúc, Yên Trị (Ý Yên); tuyến đê, kè biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy bị thiệt hại nghiêm trọng, đe dọa an toàn của cả hệ thống. Vì vậy để đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai trong thời gian tới, nhất là cơn bão số 8 đang tiến vào nước ta, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Trước mắt, Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát cấp kinh phí từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh và các nguồn khác để tập trung xử lý cấp bách ngay các công trình, gồm: Sạt lở kè Hồng Hà (Mỹ Lộc); tuyến đê bối Đồng Tâm (Vụ Bản), xử lý sạt lở tuyến đê biển Thanh Hương, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng), kè Hải Thịnh 3, kè bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu) và kè bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy). Bố trí cấp kinh phí để huyện Hải Hậu mua vật tư phục vụ công tác xử lý giờ đầu các vị trí trọng điểm bị sạt sập trên tuyến đê biển theo phương án đã được phê duyệt. Sở NN và PTNT chỉ đạo đơn vị chức năng khảo sát và triển khai các biện pháp xử lý cấp bách các công trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tổ chức phân công cán bộ bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến và tác động của thời tiết đối với những vị trí công trình đang được xử lý để phát hiện những nguy cơ phát sinh mới kịp thời báo cáo và có biện pháp xử lý ngay. Về lâu dài, các huyện có công trình bị thiệt hại do bão phải khảo sát, xây dựng kế hoạch, lập dự án để báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt và cho phép đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật nhằm khắc phục triệt để những nguy cơ, bảo đảm tính bền vững của công trình cũng như an toàn của cả hệ thống đê, kè, cống của tỉnh.
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, các địa phương, việc xử lý cấp bách các công trình đê, kè bị ảnh hưởng bởi bão số 7 sẽ nhanh chóng được hoàn thành, bảo đảm chất lượng, góp phần phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiệt hại về kinh tế - xã hội cho người dân trong mùa mưa bão năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại