Bất chấp bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng đang liên tục giảm, người dân vẫn tiếp tục lựa chọn gửi tiền tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro trước bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19.
Người dân đăng ký gửi tiền tiết kiệm tại Agribank chi nhánh Xuân Trường. |
Theo biểu lãi suất huy động mới nhất, lãi suất huy động tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định đã được điều chỉnh giảm ở khá nhiều kỳ hạn: lãi suất gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng còn 5,9%/năm… Các mức lãi suất này giảm tới 0,2 điểm % so với trước đó. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Định và Chi nhánh Thành Nam cũng giảm mạnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 3,3%/năm; giảm mạnh nhất là kỳ hạn 9 tháng còn 4,2%/năm… Các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) trên địa bàn tỉnh cũng vừa hạ lãi suất huy động nhiều kỳ hạn. Theo đó, khách gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 3,3%/năm; kỳ hạn gửi dưới tháng 6 lãi suất cao nhất đang áp dụng cũng chỉ 3,6%/năm; trong khi các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng còn 5,8%/năm, các mức lãi suất này giảm 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định cũng giảm lãi suất xuống 3,5%/năm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng từ 3,6-3,7%/năm; 6 tháng 5,6%/năm. Còn đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất áp dụng tại Vietcombank có mức thấp nhất, 3,3%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng, Vietinbank (3,8%/năm) và cao nhất là BIDV ở mức 4,1%/năm. Ngược lại, mức cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng thuộc về BIDV với 6,9%/năm, kế đến là Vietcombank là 6,1%/năm, còn Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Vietinbank là 6%/năm. Hầu hết lãi suất gửi tiền tiết kiệm trực tuyến tại các ngân hàng đều chênh lệch cao hơn so với lãi suất gửi tiền tiết kiệm tại quầy từ 0,1-0,3%/năm nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, đồng thời khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng các dịch vụ tiện ích ngân hàng trực tuyến.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, kênh đầu tư vào tiền gửi luôn an toàn và thuận tiện. Người dân có thể rút ra bất kỳ lúc nào, nhiều thời hạn khác nhau như ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay do tác động của dịch bệnh COVID-19 đầu tư vào tiền gửi vẫn là kênh đầu tư rất hiệu quả so với những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động phức tạp. Các ngân hàng cũng đang tranh thủ nắm bắt tình hình, tích cực đẩy mạnh kênh tiết kiệm trực tuyến với nhiều ưu đãi như lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy, thuận tiện, không bó hẹp về thời gian, gia tăng tiện ích, khuyến mãi quà tặng… thu hút người dân dần làm quen và chuyển sang hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến này. 9 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn huy động tiền gửi tại Vietcombank Chi nhánh Nam Định đạt 3.279 tỷ đồng, đạt 106% so với kế hoạch năm; trong đó, dư nợ tiền gửi tiết kiệm trực tuyến chiếm 15%. Tại Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định, tổng số dư tiền gửi 9 tháng đầu năm 2020 đạt 11.533 tỷ đồng, tăng 1.287 tỷ đồng (12,6%) so với đầu năm, đạt 85,3% kế hoạch năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư tăng mạnh, đạt 11.374 tỷ đồng, tăng 1.312 tỷ đồng (13%) so với đầu năm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Giang, nhân viên Công ty TNHH Công nghệ May mặc Spectre (Khu công nghiệp Hoà Xá) chia sẻ: “Từ giữa năm 2019, tôi đã có thói quen gửi tiết kiệm trực tuyến để tích vốn đề phòng rủi ro cho gia đình. Dịch COVID-19 bùng phát, Công ty buộc phải cho giãn cách, nghỉ việc luân phiên nên kinh tế gia đình sa sút. Tuy nhiên, nhờ gửi tiết kiệm trước đó nên suốt hơn 1 tháng nghỉ luân phiên, gia đình vẫn “sống ổn” từ tiền lãi và gốc rút ra từ sổ tiết kiệm trực tuyến. Hiện tại, tôi vẫn duy trì thói quen trên vì lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến cao hơn gửi tại quầy, lại có thể rút ra bất kỳ lúc nào, an toàn”. Hiện tại, gửi tiết kiệm trực tuyến không có sự can thiệp của nhân viên ngân hàng, mọi giao dịch đều do hệ thống thực hiện tự động qua nhiều lớp xác thực, bảo mật. Lệnh gửi/rút tiết kiệm trực tuyến là do chính khách hàng thực hiện, các giao dịch này rất khó bị giả mạo, dễ dàng tra soát tình trạng sổ tiết kiệm, đồng thời có thể chuyển, rút bất cứ lúc nào chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh… nên hình thức tiết kiệm này ngày càng được người dân tin tưởng lựa chọn. Có thể nói, xu hướng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến đang dần thu hút số đông khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, người lao động ở khu vực phi chính thức dễ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh và số ít các tổ chức, doanh nghiệp dư vốn tích luỹ do thị trường tiêu thụ đình trệ, chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là kênh đầu tư an toàn mặc dù sinh lời thấp, nhưng hiệu quả hơn nhiều so với các kênh đầu tư nhiều biến động như vàng, nhà đất, chứng khoán hiện nay…
Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiết kiệm của người dân, từng bước trở thành công cụ tin cậy của mọi nhà, các ngân hàng sẽ tăng cường phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về ưu điểm của dịch vụ tiết kiệm truyền thống và trực tuyến, hướng dẫn khách hàng tiếp cận về công nghệ; các phương thức bảo mật mới đảm bảo an toàn, hiệu quả; từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng số. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng tích luỹ vốn tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận hơn với vốn vay ưu đãi phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh qua 2 đợt dịch COVID-19 liên tiếp vừa qua./.
Bài và ảnh: Đức Toàn