Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2020 được giao, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; nắm bắt và phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, anh Nguyễn Xuân Công ở tổ dân phố Tây Kênh, thị trấn Cổ Lễ đã đầu tư xưởng mộc dân dụng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. |
Đến ngày 31-8-2020, có 107 xã không có nợ quá hạn, chiếm 47,3% tổng số xã. Đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng của các xã, có 214 xã xếp loại tốt, 10 xã xếp loại khá, 1 xã xếp loại trung bình, 1 xã xếp loại yếu; tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) không có nợ quá hạn là 3.150 tổ, tỷ lệ 94,3% tổng số tổ. Đánh giá chất lượng hoạt động tổ, toàn tỉnh có 3.171 tổ xếp loại tốt, chiếm 94,88%; 121 tổ xếp loại khá chiếm 3,62%; 48 tổ xếp loại trung bình chiếm 1,44%; còn 2 tổ xếp loại yếu. Nợ khoanh chỉ có 69 triệu đồng, chiếm 0,002% tổng dư nợ, giảm 2 triệu đồng so với đầu năm. Có được kết quả trên là nhờ Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực phối hợp đồng bộ với các cấp, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách. Mặc dù tiến độ kiểm tra bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện kiểm tra tại 4/10 huyện, Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố kiểm tra được 71/226 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp xã kiêm thành viên Ban đại diện HĐQT huyện hàng quý đều thực hiện kiểm tra đột xuất một số tổ, hộ vay vốn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng tích cực thực hiện chương trình kiểm tra giám sát hàng năm theo kế hoạch đã xây dựng và hàng tháng kiểm tra đột xuất, định kỳ hàng tháng hoạt động tại các điểm giao dịch xã. Qua kiểm tra, các cấp, các ngành đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của cấp trên, vai trò, trách nghiệm của Ban đại diện cấp dưới, UBND các cấp trong việc chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; nắm bắt được nhu cầu nguyện vọng, ý kiến đề xuất, kiến nghị của người dân; những khó khăn vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Từ đó, thúc đẩy sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp và sự phối kết hợp giữa Ngân hàng CSXH với các ban, ngành, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác. Cũng qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những tồn tại, sai sót để chấn chỉnh khắc phục; có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng để xử lý, chỉnh sửa, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cũng luôn được Ngân hàng CSXH tỉnh chú trọng để đảm bảo quyền lợi cho hộ vay. Các chi nhánh thường xuyên phối hợp với các Hội đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý các khoản nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.
Nhờ các biện pháp đồng bộ, chất lượng tín dụng cũng được nâng cao rõ rệt thông qua hoạt động giao dịch định kỳ tại các điểm giao dịch xã. Tại các điểm giao dịch xã, chính sách tín dụng ưu đãi, các văn bản của Chính phủ, của Ngân hàng CSXH Trung ương; danh sách các hộ có số dư nợ vốn vay và có số dư tiền gửi tại Ngân hàng CSXH được công khai đã giúp cho nhân dân nắm bắt và hiểu biết được mục đích và ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách; đồng thời tham gia kiểm tra, giám sát cộng đồng. Quý II năm 2020, Chi nhánh thực hiện sáp nhập 3 điểm giao dịch xã (do các xã sáp nhập), hiện có 215 điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng và hiệu quả đã phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của người nghèo và các đối tượng chính sách một cách thuận lợi, nhanh chóng ngay tại địa bàn xã, giải quyết trên 90% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng CSXH với khách hàng (tỷ lệ giải ngân tại xã 96,12%, tỷ lệ thu lãi 98,6%, tỷ lệ thu gốc 91,4%). Chất lượng giao dịch xã 9 tháng đầu năm toàn Chi nhánh đều được đánh giá đạt hiệu quả cao, ổn định. Thông qua các cuộc giao dịch, giao ban định kỳ tại các điểm giao dịch xã, thị trấn; công tác quản lý nguồn vốn vay được quan tâm, chỉ đạo sát sao từ khâu thành lập tổ TK và VV đến việc bình xét cho vay nên nguồn vốn tín dụng ưu đãi được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng. Các đối tượng trong diện thụ hưởng đã cơ bản được tiếp cận và sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn vay. Chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tính đến ngày 30-9-2020, tổng dư nợ ước đạt 3.165 tỷ đồng, tăng 116 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 3,8%. Nợ quá hạn 3,6 tỷ đồng, tăng 0,6 tỷ đồng, chiếm 0,11% dư nợ. Đến 30-8-2020, 4 hội đoàn thể nhận uỷ thác gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên quản lý 3.342 tổ tiết kiệm và vay vốn. Dư nợ ủy thác đạt 3.160 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 3,3 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ. Nợ quá hạn tăng chủ yếu do hộ vay bỏ đi khỏi địa phương ko rõ địa chỉ để đôn đốc thu hồi. Vừa qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan: bảo hiểm, thuế, công an để tìm kiếm thông tin hộ vay, đã tìm được 1 số thông tin về sinh viên vay vốn ra trường có việc làm, có tham gia bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập để liên hệ thu hồi.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, cho vay đúng đối tượng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn; củng cố tổ TK và VV trung bình, yếu; tổ chức tập huấn cho 100% các cán bộ tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách, nhất là các cán bộ mới tham gia. Thường xuyên chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện; nâng cao vai trò của chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, cơ sở trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ngân hàng CSXH. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn sau khi cho vay theo quy định; đồng thời có kế hoạch kiểm tra thường xuyên hơn đối với đơn vị có chất lượng hoạt động thấp, nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao./.
Bài và ảnh: Đức Toàn