11-14% là mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đặt ra trong năm 2020. Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm cho thấy, mục tiêu này đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Giao dịch giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Giao Lạc (Giao Thuỷ). |
Theo báo cáo của Chi nhánh NHNN tỉnh, 9 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 75.193 tỷ đồng, tăng 9.350 tỷ đồng (14,2%) so với đầu năm và tăng 11.940 tỷ đồng (18,9%) so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt 65.894 tỷ đồng, tăng 1.607 tỷ đồng (2,5%) so với đầu năm và tăng 5.620 tỷ đồng (9,3%) so với cùng kỳ. Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Bắc Nam Định, 8 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn huy động chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2019, dư nợ tín dụng đạt hơn 7.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số khách hàng của Chi nhánh đạt 60 nghìn khách hàng, trong đó, chỉ đạt 2.200 khách hàng có quan hệ tín dụng. Đồng chí Trần Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Chi nhánh chia sẻ: “Năm 2020, Chi nhánh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu vốn tín dụng bị sụt giảm nên Chi nhánh đã phải hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 xuống 10%”. Để đạt được mục tiêu đó, bước vào quý IV năm 2020, Chi nhánh tập trung đẩy mạnh quy mô và kéo dài thời gian triển khai chương trình khuyến mãi “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến hết 31-12-2020 với lãi suất cho vay ưu đãi cực kỳ hấp dẫn. Đây là chương trình ưu đãi lớn nhất năm 2020 dành cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp siêu vi mô và chủ doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống hoặc sản xuất, kinh doanh. Đối với những nhu cầu vốn ngắn hạn, Vietinbank Bắc Nam Định triển khai chính sách lãi suất đa dạng với thời gian ưu đãi lên tới 12 tháng đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, Vietinbank Bắc Nam Định cũng dành 20 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng vay vốn trung dài hạn, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Bên cạnh đó, Vietinbank cũng đẩy mạnh chương trình tín dụng “Đồng hành cùng doanh nghiệp” với nhiều lãi suất ưu đãi. Thúc đẩy tiến độ triển khai ký kết hợp đồng dịch vụ thu hộ học phí, viện phí, thu hộ tiền nước với các đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro. Cải thiện mạnh mẽ, toàn diện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cung cấp giải pháp tài chính tổng thể, toàn diện tới khách hàng, phát triển mạnh hoạt động ngân hàng thanh toán và ngân hàng đầu tư. Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Bắc Nam Định, 9 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn nội tệ đạt 11.499 tỷ đồng, tăng 1.298 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch của năm. Tổng dư nợ nội bảng chỉ đạt 7.428 tỷ đồng, tăng 17,9 tỷ đồng (0,2%) so với đầu năm. Nguồn vốn dồi dào, tuy nhiên, nhu cầu tín dụng của người dân không cao khiến cho dư nợ tăng trưởng thấp. Để đạt được mục tiêu kết thúc năm 2020 với dư nợ 7.816 tỷ đồng là thách thức không hề nhỏ. Vì thế, 3 tháng cuối năm 2020, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định sẽ tiếp tục áp dụng linh hoạt cơ chế lãi suất huy động để thu hút khách hàng. Tăng cường công tác tiếp thị cho vay, huy động vốn, phát triển các sản phẩm dịch vụ đến các khách hàng trên địa bàn thành phố, tại các xã, làng nghề phía bắc tỉnh, doanh nghiệp, nhà trường, cơ quan, đơn vị. Chú trọng cho vay trung, dài hạn; cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ thấu chi trên tài khoản thanh toán gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ như mở tài khoản tiền gửi, phát hành thẻ ATM, SMS Banking, Internet Banking, các sản phẩm bảo hiểm ABIC… Thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ dư nợ, phân tích kỹ từng món nợ tiềm ẩn, nợ xấu, chỉ đạo thu hồi quyết liệt không để phát sinh nợ xấu. Tiếp tục đôn đốc thu nợ đối với tất cả các khoản nợ đã xử lý rủi ro. Có thể nhận thấy, dù dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng vẫn ở mức thấp. Qua khảo sát một số ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu do một số cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhưng lại chưa có phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả hoặc không có tài sản đảm bảo, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc giải ngân. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn đang giải quyết những khoản nợ đến hạn chưa trả được, xin giãn, hoãn nên chưa có nhu cầu vay mới, chỉ sử dụng vốn tự có tập trung duy trì hoạt động ổn định, cầm chừng. Sự hồi phục của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sau đợt dịch trước chỉ mới diễn ra được vài tháng, khả năng chưa đủ “đề kháng” để chống cự lại những diễn biến khó lường do dịch bệnh gây ra tiếp theo. Do đó, Ngân hàng dẫu dồi dào về vốn cũng khó có thể cho vay được do mức hấp thụ vốn từ nền kinh tế còn rất thấp. Ngoài ra, sự cạnh tranh khách hàng giữa các ngân hàng thương mại cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Với tình thế hiện tại, sức cầu của nền kinh tế chưa khôi phục hoàn toàn, hoạt động xuất nhập khẩu còn khó khăn nên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 là một thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng. Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn cụ thể hóa chương trình hành động tại đơn vị để vừa đẩy mạnh dư nợ cho vay, vừa kiểm soát rủi ro chặt chẽ, đảm bảo an toàn hoạt động, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 01/2020/TT-NHNN về mở rộng tín dụng đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn; đơn giản hoá thủ tục giải ngân vốn, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay, đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ ngân hàng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần nỗ lực mở rộng tín dụng, đặc biệt là cho vay các lĩnh vực ưu tiên; tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý./.
Bài và ảnh: Đức Toàn