“Một mình chúng ta làm được rất ít, cùng nhau ta làm được rất nhiều”, đó là phương châm sản xuất, kinh doanh được Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam treo dọc khu nhà xưởng sản xuất để động viên cán bộ, công nhân lao động và toàn thể Công ty phấn đấu thực thi. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt mà đồng chí Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam đã duy trì để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Việc chủ động liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trong học hỏi kinh nghiệm, đầu tư trang thiết bị sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm đã giúp sản phẩm dệt may của Công ty từng bước được thị trường Nhật Bản tin tưởng, lựa chọn sử dụng. Cũng theo Tổng giám đốc Nguyễn Thế Minh, hầu hết doanh nghiệp Nam Định có quy mô nhỏ và vừa. Vì vậy, để tận dụng tối đa các lợi thế được hưởng khi Việt Nam ngày càng tham gia thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương thì các doanh nghiệp trong tỉnh phải tự xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó thiết lập tìm kiếm mối liên kết sản xuất theo hướng bổ khuyết để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Tính riêng phương án đáp ứng yêu cầu “xuất xứ từ vải” để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA, ngoài việc tiếp tục phát huy thế mạnh đã xuất khẩu 80% sản lượng sợi sang Trung Quốc, các doanh nghiệp nội địa cần chủ động sản xuất thành công vải nội địa chất lượng cao theo phương án thực hiện liên kết; trong đó, các doanh nghiệp lớn phải đảm trách vai trò đầu tàu, tiên phong đi trước. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may nội địa cũng có thể liên kết theo hướng tương hỗ, khai thác thế mạnh của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để đầu tư sản xuất vải, chủ động nguồn gốc xuất xứ.
Kiểm định chất lượng kim loại tại Công ty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (thành phố Nam Định). |
Theo ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (thành phố Nam Định) nhờ đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt, kể từ khi liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản thành lập Trung tâm kiểm định kim loại quy mô khu vực đã giúp Công ty tiếp cận, quyết định đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, ứng dụng phần mềm chuyên ngành vận hành theo tiêu chuẩn ISO 17025 và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hoàn toàn chủ động trong việc kiểm soát chi tiết chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Bình quân mỗi năm 10 nghìn tấn sản phẩm cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy của Công ty xuất sang các thị trường đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng (Nhật Bản, Đức, Hà Lan...) đều được đánh giá cao, giúp Công ty không ngừng tiến xa hơn trong hành trình nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu sản phẩm với các đối tác nước ngoài. Theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định cho biết, do chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa trong khi thị trường hiện nay ngày càng đòi hỏi cao hơn về sản phẩm chất lượng, an toàn nên các doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ nông sản của tỉnh đã xác định nếu không đi cùng nhau thì sẽ không đi được xa. Vì vậy, đã chủ động liên kết ngang, đề xuất UBND tỉnh cho thành lập Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định với nòng cốt là các doanh nghiệp có thương hiệu, có chuỗi sản xuất an toàn khép kín, đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đáng kể, trước đó, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã thiết lập, duy trì thành công mối liên kết dọc với người dân trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật. Hiện hàng chục doanh nghiệp, đơn vị tham gia trong Hiệp hội đều đã ổn định sản xuất, đảm bảo các sản phẩm thường xuyên được kiểm soát chất lượng an toàn bởi ngành chức năng; không còn phải loay hoay với câu hỏi làm thế nào để đưa sản phẩm ra thị trường trong điều kiện cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn. Ngoài 3 chủ doanh nghiệp kể trên thì liên kết, hợp tác để tạo sức mạnh phát triển, hội nhập là tư tưởng chung của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã được tỉnh nắm bắt và chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường các chương trình, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, những năm gần đây, các ngành, các địa phương đã chú trọng lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn để tập trung hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Theo đồng chí Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thực hiện chủ trương của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao năng lực hội nhập nền kinh tế quốc tế, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nội tỉnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản trong tiếp cận, đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc công nghệ cao. Hiện Sở tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối với đối tác ở một số nước Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt là các quốc gia có công nghệ phù hợp với trình độ, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam và của tỉnh Nam Định. Các ngành, các địa phương còn ưu tiên hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng mang thương hiệu sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân. Đến nay tỉnh ta đã xây dựng và phát triển được 28 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gồm: 10 chuỗi thủy sản, 9 chuỗi sản phẩm trồng trọt, 3 chuỗi sản xuất, chế biến các loại muối, 6 chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi; đã kiểm soát, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi của 17 chuỗi. Các chuỗi tiêu biểu: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống và gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô trên 500ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Doanh công suất 2.000 con/ngày; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Lenger; chuỗi rau sạch của Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh…
Thời gian tới, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực liên kết; trong đó quan tâm xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến gắn với đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương để hỗ trợ xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy