Ngày 13-10 hàng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn là Ngày quốc tế Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm khuyến khích mọi công dân và Chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn. Với đặc điểm về vị trí địa lý có 72km bờ biển, cộng với tình hình biến đổi khí hậu, những bất thường và cực đoan của thời tiết ngày càng gia tăng, tỉnh ta luôn thực hiện đồng bộ các biện pháp chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Trồng rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu. |
Trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, tỉnh đã chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về phòng chống thiên tai (PCTT) theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh yêu cầu các cấp ngành, địa phương phải xác định PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chủ động lồng ghép nội dung PCTT vào các chương trình, hoạt động đơn vị mình. Tỉnh có văn bản chỉ đạo củng cố, xây dựng các Đội xung kích PCTT cấp xã có đủ năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, các ngành, các địa phương chủ động kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN của ngành, cấp mình theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Đặc biệt, các địa phương lựa chọn, bố trí lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ và kết hợp một số thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã (Công an, Dân phòng, Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, một số công chức chuyên môn ở xã như địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế...). Tổng số thành viên tham gia lực lượng xung kích PCTT cấp xã trên toàn tỉnh là 270 người; trong đó: khu vực các xã nội đồng 70 người; khu vực các xã có đê 90 người; khu vực các xã có đê biển 110 người.
Để thực thi hiệu quả công tác PCTT, các địa phương đã xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách, quân đội, công an; phân công trách nhiệm rõ ràng và trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác PCTT cho Đội xung kích theo phương châm “bốn tại chỗ”. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 19-3-2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê chuyên trách và lực lượng quản lý đê nhân dân; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các Hạt Quản lý đê tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng quản lý đê nhân dân; bố trí lực lượng (lực lượng quản lý đê chuyên trách, lực lượng quản lý để nhân dân và các lực lượng liên quan) thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều. Cuối năm 2019, Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã làm công tác PCTT; qua đó lực lượng quản lý đê chuyên trách và lực lượng quản lý đê nhân dân đã nắm rõ nhiệm vụ cụ thể trong công tác PCTT theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng tăng cường kiểm tra xử lý bất cập trong thực thi trách nhiệm PCTT tại cấp cơ sở. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện việc triển khai trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số nơi như xã Hải Đông (Hải Hậu), Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy), xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) không đảm bảo chất lượng, cây trồng bị chết nhiều, không đảm bảo mật độ thiết kế theo quy định. Sở NN và PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc nhà thầu thi công kiểm tra, trồng dặm, trồng bổ sung và chăm sóc kịp thời. Nhờ đó, đến nay các diện tích rừng trồng bổ sung đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án xây dựng duy tu bảo dưỡng, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều dự án tu sửa, nâng cấp đê điều được triển khai đầu tư, giao vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể như: Dự án hoàn thiện mặt cắt, gia cố mặt 5 đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh với tổng mức đầu tư là 169,9 tỷ đồng (120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, phần còn lại từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác). Dự án được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023, quy mô đầu tư gồm: Đê tả Ninh đoạn từ K11+000 - K14+370 thuộc các huyện Xuân Trường, Hải Hậu; đê hữu Ninh đoạn từ K0+000 - K5+290 và đoạn từ K9+000 - K11+900 huyện Trực Ninh; đê tả Ninh đoạn từ K27+990 - K32+838 huyện Trực Ninh; đê tả Ninh đoạn từ K40+000 - K43+212 huyện Hải Hậu; đê hữu Hồng đoạn từ K185+240 - K188+833 huyện Trực Ninh. Tỉnh phân bổ 19 tỷ 935 triệu đồng từ nguồn kinh phí duy tu đê và kinh phí xây dựng nông thôn mới để các huyện, thành phố tiến hành cải tạo, nâng cấp 17 đoạn đê theo quy chuẩn “tuyến đê kiểu mẫu” gồm: Phát quang, chỉnh trang mái đê, xây tường đỉnh, tường chân, tường dọc mái đê và bậc lên xuống bằng gạch. Tháng 9-2020, UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 với các nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển; Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Hướng tới mục tiêu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy