Hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

06:10, 30/10/2020

Cùng với các chương trình tín dụng của từng hệ thống ngân hàng thương mại được triển khai thường xuyên, Chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng, Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã đầu tư máy móc hiện đại, nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định. (Trong ảnh: Sản xuất trang phục tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng ở cụm công nghiệp Hải Phương, Hải Hậu).
Từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng, Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã đầu tư máy móc hiện đại, nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định. (Trong ảnh: Sản xuất trang phục tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng ở cụm công nghiệp Hải Phương, Hải Hậu).

Giữ vai trò là “cầu nối” giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thời gian qua, Chi nhánh NHNN tỉnh đã thường xuyên tham dự các hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức; chủ động gặp gỡ trao đổi trực tiếp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh để nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp, giải đáp tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo kiến nghị NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, Chi nhánh NHNN tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai mở rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Các TCTD chủ động lựa chọn các hình thức kết nối, đối thoại phù hợp với thực tế tại địa phương như tổ chức hội nghị khách hàng; chủ động tìm kiếm khách hàng đủ điều kiện tham gia chương trình; tổ chức ký kết hợp đồng trực tiếp thường niên tại đơn vị có sự chứng kiến của NHNN tỉnh và các cơ quan truyền thông trong tỉnh. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đồng bộ. Qua các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình, các đơn vị tham gia đã nhận diện chi tiết hơn những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn ngân hàng. Từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng tốt điều kiện vay vốn của các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp tục có 48 doanh nghiệp đã được tiếp cận chương trình vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng, tổng số tiền cam kết cho vay là 815 tỷ đồng, đã giải ngân 766 tỷ đồng, đạt 94% so với cam kết. Mới đây, dưới sự chứng kiến của Chi nhánh NHNN tỉnh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Định đã ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty Cổ phần Vải sợi may mặc Nam Hà (thành phố Nam Định) với tổng hạn mức tín dụng là 80 tỷ đồng (ngắn hạn là 30 tỷ đồng, trung dài hạn là 50 tỷ đồng). Lũy kế đến từ năm 2014 đến nay, có 318 khách hàng tham gia chương trình, số tiền cam kết cho vay 10.012,4 tỷ đồng, đã giải ngân 9.792,5 tỷ đồng, bằng 97,8% so với cam kết. Tính đến hết 30-9-2020, tổng dư nợ chương trình đạt 4.543,7 tỷ đồng; trong đó, dư nợ ngắn hạn là 3.899,7 tỷ đồng, trung và dài hạn là 644 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia chương trình. Chi nhánh NHNN tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các tổ chức tín dụng “vào cuộc” thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Theo báo cáo của các TCTD đến hết ngày 30-9-2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 7.437 tỷ đồng. Dư nợ đã được ngân hàng hỗ trợ 3.837 tỷ đồng; trong đó, dư nợ được miễn, giảm lãi là 2.665 tỷ đồng (số tiền được miễn, giảm là 2,5 tỷ đồng, với 2.122 khách hàng); 816 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 1.169 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, đại diện Chi nhánh NHNN tỉnh khẳng định: Chương trình đã đem đến “lợi ích kép” cả về phía doanh nghiệp và ngân hàng và trên hết, chương trình đã tạo sự gắn kết bền chặt trong mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng đồng hành và phát triển, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua chương trình, doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Không chỉ được ưu đãi về lãi suất, doanh nghiệp còn được hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác như ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý tài chính hiệu quả… từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Chương trình cũng giúp doanh nghiệp được tiếp cận thêm với các thông tin cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp; các chương trình, chính sách tín dụng mới; hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu những sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng khơi thông được dòng vốn, giúp tăng trưởng tín dụng bền vững, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, qua chương trình cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các ngân hàng.

Để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục rà soát đơn giản hoá thủ tục, quy trình cho vay, rút ngắn thời gian làm thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Thực hiện công khai minh bạch quy trình, thủ tục cho vay; tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất phát huy tối đa thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ. Tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay với lãi suất hợp lý đảm bảo an toàn tài chính và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đảm bảo lãi suất ưu đãi với ngành, lĩnh vực ưu tiên… Chủ động, tích cực tìm kiếm khách hàng tham gia chương trình và tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng trực tiếp tại đơn vị để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình dịch COVID-19, chủ động rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để xem xét áp dụng các biện pháp hỗ trợ kịp thời theo quy định./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



Thanh toán vnpay pr app từ thẻ tín dụng VPBank NEO

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com