Hải Minh phát huy lợi thế thương mại dịch vụ

08:10, 02/10/2020

Xã Hải Minh (Hải Hậu) có nhiều nghề truyền thống như sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sửa chữa kèn đồng, tạc tượng, điêu khắc nghệ thuật, may công nghiệp... Trong đó, sản phẩm mộc mỹ nghệ của xã đã trở thành thương hiệu đồ gỗ uy tín ở cả trong và ngoài nước. Xã Hải Minh đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ để gia tăng giá trị thương mại của sản phẩm, khai thác tối đa lợi thế làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Khách hàng tham quan mua sắm đồ gỗ mỹ nghệ tại cơ sở Loan Thiện, xã Hải Minh (Hải Hậu).
Khách hàng tham quan mua sắm đồ gỗ mỹ nghệ tại cơ sở Loan Thiện, xã Hải Minh (Hải Hậu).

Trong Đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm giai đoạn 2015-2020” của xã đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là: đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tổ chức đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường, giao dịch thương mại cho người dân làng nghề và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động giúp người dân tiếp cận nhanh với nguồn vốn phát triển sản xuất. Quán triệt chủ trương đó, trong công tác quy hoạch xã ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển sản xuất, hình thành các tuyến phố thương mại. 2 làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ truyền thống được đầu tư mở rộng đường trục chính thuận tiện cho việc trưng bày giới thiệu sản phẩm, vận chuyển, giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó xã đã dành quỹ đất và đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2 cụm công nghiệp làng nghề tại xóm 4A và xóm 1 để các hộ dân vừa có diện tích đất sản xuất ổn định, vừa có điều kiện mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Với cách làm đó, hơn 800 cơ sở sản xuất, 6 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong xã đều có diện tích ổn định để sản xuất và trưng bày hàng hóa. Hiện tại, xã đang đề xuất với UBND huyện tiếp tục mở rộng diện tích cụm công nghiệp tại xóm 1 để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng phát triển. Cùng với việc tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, đất đai, UBND xã còn yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tín chấp với các tổ chức tín dụng cho người dân vay vốn từ các kênh an toàn để đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức dạy nghề, kỹ năng tiếp cận thị trường và khởi nghiệp cho người dân làng nghề. Hiện tại ngoài kênh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) trên địa bàn xã còn có sự góp mặt của Quỹ tín dụng nhân dân và nhiều văn phòng đại diện các ngân hàng thương mại khác cùng hỗ trợ nhân dân tiếp cận vốn sản xuất với tổng dư nợ trên 600 tỷ đồng. 

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện đồng bộ của chính quyền xã, người dân làng nghề tự tin mở rộng phát triển sản xuất, năng động trong giao thương cũng như nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nét đặc trưng sản phẩm gỗ mỹ nghệ Hải Minh là sự sáng tạo trong việc kết hợp tinh tế giữa văn hóa truyền thống và nhu cầu tiêu dùng hiện đại, giữa chất liệu gỗ truyền thống với các phụ kiện hiện đại khiến cho sản phẩm vừa giữ được nét cổ, vừa sang  trọng, lộng lẫy, tiện nghi trong không gian hiện đại. Nếu như trước đây các hộ dân trong làng nghề chủ yếu sản xuất đồ gỗ gia dụng theo tích cổ thì nay chuyển dần sang phong cách nội thất cung đình phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khảm trai, ốc bằng nguyên liệu ốc Singapo để tạo độ sáng bóng và đa dạng sắc màu cho phù hợp với vật dụng. Ví như ốc dùng khảm cho đồ thờ nhất định phải có ngũ sắc, hoặc thiên về ánh hồng, đỏ; ốc khảm cho sập gụ, tủ chè, trường kỷ thiên về ánh sáng trắng, ánh xanh tạo không gian êm dịu… Chính sự sáng tạo này đã khiến cho đồ gỗ Hải Minh thu hút được đông đảo khách hàng ở trong và ngoài nước trực tiếp đến làng nghề tham quan mua sắm. Anh Đỗ Văn Thiện, chủ cơ sở chế biến gỗ Loan Thiện cho biết: trong xu thế thị trường luôn biến đổi như hiện nay, ngoài việc chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị chế biến gỗ, cơ sở luôn năng động trong việc đổi mới mẫu mã sản phẩm để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay, các mặt hàng đồ gỗ nội thất của gia đình anh đã có mặt tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh… và xuất khẩu sang cả thị trường Trung Quốc với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cùng với nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ phát triển, các dịch vụ làng nghề cũng được mở rộng. Hiện tại hơn 100 hộ dân trong xã tổ chức các dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất của làng nghề như: cung ứng nguyên vật liệu từ gỗ, đá, vỏ trai, ốc, xà cừ, đinh vít, bản lề, khuy móc đến dịch vụ vận tải, sửa chữa, bảo dưỡng sản phẩm gỗ mỹ nghệ cho khách hàng. Sản xuất phát triển, dịch vụ thương mại ở Hải Minh cũng hết sức sôi động, người dân làng nghề đảm nhận tất cả các khâu dịch vụ từ cung ứng nguyên liệu, sản xuất và bảo hành sản phẩm. Nhờ đó giá trị thương mại dịch vụ giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân 10,5%/năm trong suốt 5 năm qua. 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản xuất của làng nghề vẫn phát triển, tổng thu nhập từ hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn xã đạt 482,6 tỷ đồng.

Phát triển đồng bộ sản xuất và thương mại dịch vụ nên kinh tế nông thôn ở Hải Minh phát triển năng động và ổn định. Đó là cơ sở để Đảng ủy xã Hải Minh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xã trở thành trung tâm thương mại vùng khu vực phía bắc huyện Hải Hậu. Phát huy tối đa thế mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa và thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com