Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hải Minh (Hải Hậu) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình ổn định sản xuất.
Nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở xã Hải Minh phát triển, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. |
Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân mở mang ngành nghề, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong 10 năm (2010-2020), cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã dịch chuyển đúng hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Chị Phạm Thị Yến, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Yến Lục là một trong những người mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gia dụng lớn ở xã Hải Minh cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã năm 2007, gia đình tôi thành lập cơ sở sản xuất mới tại cụm công nghiệp số 1 nhằm phát huy nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gia dụng truyền thống của gia đình hơn 50 năm qua... Ban đầu gia đình tôi cũng gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ nhưng với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài” cộng với làm ăn có uy tín nên đã từng bước phát triển. Đến nay, ngoài tự tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, cơ sở còn giải quyết việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng”.
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ UBND xã Hải Minh đã quy hoạch vùng sản xuất tiểu thủ công nghiệp thu hút doanh nghiệp trong và ngoài xã đầu tư. UBND xã lập quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề (Cụm công nghiệp làng nghề 1 với diện tích 2,2ha và Cụm công nghiệp làng nghề 2 diện tích 3,1ha) có hệ thống giao thông thuận tiện, có hệ thống mặt bằng sản xuất hợp lý, xa khu dân cư. Đến nay 2 cụm công nghiệp làng nghề có trên 40 hộ sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề sản xuất: Đồ gỗ, khảm trai mỹ nghệ đóng góp chính cho thu nhập của gia đình và xã hội. Đến nay, nghề sản xuất đồ gỗ, khảm trai mỹ nghệ truyền thống ở Hải Minh đã phát triển ở 18/26 xóm, với 1.540 hộ thu hút 4.500 lao động địa phương và khoảng 150-200 lao động ngoài xã. Việc tổ chức sản xuất đồ gỗ, khảm trai mỹ nghệ đã tận dụng tối đa lực lượng lao động tại địa phương, tạo điều kiện bố trí, phân bổ lao động theo ngành, chuyên môn hoá hợp lý. Thu nhập bình quân của người lao động hiện đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó nghề may công nghiệp, cơ khí, sản xuất kèn đồng trên địa bàn xã cũng phát triển với 5 cơ sở may công nghiệp thu hút 450-500 lao động; 15 cơ sở sản xuất cơ khí, cửa kính, khung nhôm với 40-50 lao động thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất kèn đồng có 5 cơ sở với 25 lao động thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng. Có được con số ấn tượng như vậy, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư. Hàng năm, UBND xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, truyền nghề cho gần 1.000 lượt người trong độ tuổi lao động. Để giúp các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, UBND xã và các đoàn thể đứng ra tín chấp cho 760 hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 157,9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 482,6 tỷ đồng, giá trị cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%, kinh doanh, dịch vụ chiếm 34%; thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên, đạt 58,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0,36%.
Thời gian tới, xã Hải Minh tiếp tục phát triển nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo môi trường sinh thái. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh