Đào tạo lao động (ĐTLĐ) là chỉ số có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, kết quả chỉ số ĐTLĐ trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2019 của tỉnh đạt 6,87 điểm; so với năm 2018 tăng 0,24 điểm nhưng thứ hạng lại hạ 6 bậc, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố. Đáng lưu tâm, còn 7/11 chỉ tiêu cơ sở của chỉ số ĐTLĐ chưa được cải thiện hoặc bị hạ thứ hạng. So với năm 2018: 31,82% doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt, giảm 14,85%, hạ 45 bậc, xếp hạng 56/63; phần trăm chi phí kinh doanh cho ĐTLĐ là 7,51%, tăng 1,86%, hạ 16 bậc, xếp hạng 55/63; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động đạt 9,36%, tăng 1,36% nhưng thứ hạng lại hạ 14 bậc, xếp hạng 45/63; 66,67% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, tăng 1,19%, hạ 3 bậc, xếp hạng 27/63; 64,23% doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông của tỉnh có chất lượng tốt, giảm 1,62%, hạ 18 bậc, xếp hạng 27/63; 91,94% doanh nghiệp cho rằng lao động đáp ứng được nhu cầu sử dụng, giảm 2,06%, hạ 12 bậc, xếp hạng 21/63; 80,77% doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm, giảm 3,44%, hạ 1 bậc, xếp hạng 8/63. Kết quả trên cho thấy doanh nghiệp chưa đánh giá cao chất lượng dạy nghề của tỉnh; chất lượng lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp còn mất nhiều chi phí cho ĐTLĐ.
Hướng dẫn người lao động chấp hành tác phong công nghiệp trong sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản). |
Để cải thiện niềm tin về chất lượng ĐTLĐ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã chủ động phân tích nguyên nhân, từ đó xác định các giải pháp để cải thiện. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp một cách chi tiết về số lượng theo ngành nghề, kỹ năng theo từng nghề để khẩn trương tổ chức đào tạo bổ sung, nâng cao chất lượng tay nghề, số lượng người lao động. Khuyến khích phát triển các trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức thị trường lao động công khai, minh bạch; tăng cường kết nối hệ thống các sàn giao dịch, giới thiệu việc làm và các điểm giao dịch việc làm của tỉnh với cả nước; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, việc làm, thông tin cung - cầu nhân lực. Đẩy mạnh thiết lập kênh kết nối mang tính xây dựng giữa người lao động với doanh nghiệp để tạo cơ hội cho các bên cùng nhau ra quyết định về cách thức tốt nhất, chuẩn bị cho lực lượng lao động địa phương thích ứng với nhu cầu đòi hỏi lao động tay nghề cao, thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo đã từng bước triển khai lộ trình quyết liệt nâng cao chất lượng lao động ngay từ các giai đoạn đào tạo, giáo dục phổ thông và dạy nghề; đồng thời trang bị cho người lao động các bộ kỹ năng linh hoạt cho phép người lao động thích ứng nhanh, học hỏi kỹ năng mới dễ dàng nhanh chóng tiếp cận khi công nghệ thay đổi. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch ĐTLĐ sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của tỉnh và ở khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động; nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề gắn với đáp ứng nhu cầu của thị trường và mục tiêu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng xã hội hoá. Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; nâng cao chất lượng ĐTLĐ nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, trong đó chú trọng các trường kỹ thuật đào tạo kỹ sư phần mềm, công nghệ cao; mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, tổ chức xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo mới từng bước tiếp cận với cấp độ khu vực và quốc tế.
Về lộ trình dài hơi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng ĐTLĐ theo Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 10-6-2020 của UBND tỉnh về thực hiện chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học và công nghệ. Các ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi, đánh giá những thay đổi về xu hướng việc làm và ngành nghề đào tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để kịp thời điều chỉnh công tác giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi của thị trường lao động./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy