Khẳng định vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng

08:10, 12/10/2020

Với mục tiêu xây dựng thành phố Nam Định là đô thị tỉnh lỵ trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh; trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học, đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và là đô thị có các giá trị văn hóa lịch sử nổi trội; khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 17-9-2020 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố Nam Định hôm nay.
Thành phố Nam Định hôm nay.

Theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg, phạm vi lập quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 có tổng diện tích khoảng 187,99km2 gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay (diện tích 46,41km2); huyện Mỹ Lộc (diện tích 74,49km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản (diện tích 26,48km2) và 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An của huyện Nam Trực (diện tích 40,6km2). Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 520 nghìn người (dân số nội thị khoảng 384,5 nghìn người); đến năm 2040 dân số khoảng 600 nghìn người (dân số nội thị khoảng 485 nghìn người. Quy mô đất đai giai đoạn đến năm 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 6.690ha (đất dân dụng khoảng 4.350ha, tương đương 65 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 2.340ha); giai đoạn đến năm 2040 đất xây dựng đô thị khoảng 8.330ha (đất dân dụng khoảng 4.990ha, tương đương 60 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 3.340ha; đất dự trữ phát triển các chức năng đô thị khoảng 1.080ha). Định hướng phát triển không gian thành phố Nam Định trong tương lai theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối. Hướng phát triển đô thị là tây bắc và đông nam theo hành lang trục Quốc lộ 21B và đường vành đai 2 mới, gồm 3 vùng là: vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu (là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố gắn với phát triển không gian đô thị hiện hữu); vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (gắn với hệ sinh thái tự nhiên huyện Mỹ Lộc với chức năng đô thị thông minh, với các trung tâm giáo dục thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp dịch vụ thương mại); vùng phát triển phía đông nam với chức năng đô thị dịch vụ du lịch vùng bảo vệ nguồn nước hệ sinh thái tự nhiên gắn với các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định. Không gian thành phố Nam Định được chia thành 8 khu vực là khu trung tâm đô thị hiện hữu; khu vực phát triển đan xen phía nam vành đai 1 (Quốc lộ 10); khu đô thị dịch vụ thương mại phía tây bắc thành phố; khu trung tâm cửa ngõ phía tây đường vành đai 1; khu đô thị mới Nam sông Đào; khu công nghiệp dịch vụ dân cư phía tây thành phố; khu làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái thể dục thể thao phía nam sông Châu Giang; khu làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía nam thành phố. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Về thiết kế đô thị: bảo vệ và phát triển hình ảnh đô thị lịch sử Nam Định khai thác các giá trị cảnh quan tự nhiên (sông Đào, sông Hồng và vùng cảnh quan nông nghiệp) kết hợp với các yếu tố hạ tầng khung hiện có (các Quốc lộ 10, 21) và hệ thống cây xanh mặt nước nhân tạo để tạo nên một khung liên kết giữa các khu chức năng trong thành phố. Trục không gian cảnh quan chính của thành phố Nam Định trong tương lai là cải tạo nâng cấp cảnh quan các tuyến đường đối ngoại (Quốc lộ 10, 21B) và các tuyến đường chính đô thị tạo cảnh quan hấp dẫn với các tiện ích công cộng thông minh hiện đại sinh thái dễ tiếp cận có hình ảnh đặc trưng riêng theo từng đoạn tuyến. Hạn chế mở rộng phát triển với quy mô lớn để bảo vệ cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa lịch sử của đô thị, đồng thời bố trí một số quảng trường tại các khu vực (Quảng trường Hòa Bình; Quảng trường 3-2; Quảng trường tri thức thời đại; Quảng trường giao lưu văn hóa giáo dục đô thị; Quảng trường thể thao) gắn với các công viên, phố đi bộ theo các phân khu chức năng để tạo không gian mở cho hoạt động cộng đồng.

Về định hướng quy hoạch giao thông đối ngoại phát triển đồng bộ cả đường bộ, đường sắt và đường sông. Về giao thông nội đô tôn trọng hiện trạng khu vực trung tâm thành phố (phố cổ, phố cũ) hạn chế mở mới, mở rộng đường cải tạo các nút giao thông gây ùn tắc. Xây dựng các trục đường chính kết nối từ trung tâm hiện hữu ra các khu đô thị khu chức năng mới của thành phố mặt cắt ngang đường từ 24-52m. Khu vực ngoại thành xây dựng giao thông nông thôn đáp ứng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới kết nối giao thông đô thị. Nâng cấp cải tạo bến xe phía nam (khu vực đường Lê Đức Thọ); từng bước chuyển đổi bến xe phía bắc thành điểm trung chuyển giao thông công cộng kết hợp bãi đỗ xe; xây dựng mới bến xe phía bắc (khu vực Quốc lộ 21B, huyện Mỹ Lộc). Xây dựng 3 cầu mới qua sông Đào nối khu vực trung tâm hiện hữu với khu vực phía Nam; cải tạo các cầu hiện có đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá, để khai thác có hiệu quả những tiềm năng phát triển của thành phố theo hướng bền vững Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo cơ sở để đầu tư xây dựng phát triển khẳng định tầm vóc và vị thế của một trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh và cả vùng nam đồng bằng sông Hồng. Việc thực hiện quy hoạch điều chỉnh nhằm hướng tới xây dựng thành phố Nam Định là đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chủ động ứng phó có hiệu quả thiên tai và biến đổi khí hậu; Phát triển thành phố Nam Định gắn với những tiềm năng nổi trội về văn hóa lịch sử, giáo dục, công nghiệp và dịch vụ./.

Bài và ảnh: Thành Trung


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com